Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong vài năm qua, nhưng có vẻ tôi là người không có duyên trong việc kinh doanh tiền bạc. Trong lúc một số bạn bè xung quanh phất lên nhanh chóng, thì tôi vẫn cứ ...đều đều :(. Trái lại các kỹ năng về giao tiếp cộng đồng của tôi lại phát triển khá đều đặn. Bên cạnh công việc của một kỹ sư phần mềm, tôi đã có cơ hội tham gia khá nhiều khóa đào tạo "luyện gà", các hội thảo, hoạt động cộng đồng, rồi vinh hạnh trở thành giám khảo trẻ nhất của một số cuộc thi uy tín như Olympic Tin học Sinh viên, Mùa hè sáng tạo... :x. Tôi nhận thấy những công việc như vậy đã nâng tầm nhìn của tôi lên rất nhiều so với khi chỉ làm một lập trình viên hay kinh doanh thông thường. Và có vẻ tôi đã dần nhận ra đâu mới thực sự là những thế mạnh và công việc yêu thích tôi có thể làm trong suốt cuộc đời :)
Có lẽ trong các đối tượng từng đi dạy, tôi thích nhất là các em học sinh Cấp 2. Với niềm đam mê tin học ở độ tuổi còn khá tinh nghịch, các em dễ làm toát lên trong suy nghĩ của những người đi dạy một nét ngây ngô, trong sáng và đáng yêu. Bao nhiêu kiến thức chia sẻ đều được các em tích cực tiếp thu đều đặn. Và tôi nhận ra có lẽ đây chính là độ tuổi thích hợp nhất để phát triển niềm đam mê Tin học cho một thế hệ. Sớm quá có thể dễ làm các em xao nhãng bởi chưa đủ độ chín, còn trễ quá sẽ khó hình thành nên một niềm đam mê đủ lớn để giữ chân các em trước những ...cám dỗ cơm áo gạo tiền :). Và thực tế rất nhiều lập trình viên giỏi tôi được biết đều xuất phát từ độ tuổi này.
Rồi lên cấp 3 và những năm đầu đại học có lẽ là độ tuổi thích hợp nhất để phát triển các tư duy thuật toán. Nhớ lại 10 năm về trước tôi và bạn bè đã có một thời gian tuyệt vời làm việc ngày đêm với những thuật toán và ngôn ngữ lập trình Pascal già nua trong sáng. Những điều này đã tạo nên nền tảng vững chắc để chúng tôi định vị mình tốt hơn trong thế giới CNTT sau này. Tuy nhiên có một điều tôi không thích lắm là hiện tại Việt Nam hầu hết vẫn còn sử dụng Pascal chạy trên ...DOS. Nếu chuyển sang một số ngôn ngữ mạnh hơn như Java + Eclipse thì chắc chắn sẽ mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho học sinh tiếp cận nhanh hơn với những lợi thế trong một thế giới phẳng hôm nay.
Rồi đến những năm trên giảng đường đại học sẽ là thời điểm tốt nhất để tiến vào thế giới công nghệ và từng bước hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Với các kiến thức cơ bản đã được tích lũy, sự định hướng tốt trên một siêu xa lộ thông tin trên Internet, hàng loạt cơ hội trong lĩnh vực này sẽ mở ra cho những người có đủ niềm đam mê và dũng cảm dấn thân.
Đến đây có vẻ tôi hơi lạc đề so với tiêu đề của bài viết này. Tuy nhiên một trong những vấn đề CNTT Việt Nam đang đối mặt hiện nay là rất thiếu những siêu lập trình viên với một nền tảng kiến thức công nghệ vững chắc, tư duy sáng tạo và đột phá. Với những người như vậy thì gần như không thể đào tạo chỉ trong 4-5 năm của môi trường đai học, mà có lẽ phải trong một thời gian dài xuyên suốt như tôi đã nêu ở trên. Và tôi không tin Việt Nam sẽ có thể trở thành một cường quốc CNTT nếu không đào tạo được một thế hệ những con người như vậy. Nhiều công ty ở Việt Nam tôi có dịp tiếp xúc cũng có tham vọng trở thành một đế chế CNTT và vươn ra tầm khu vực trong những năm sắp tới, tuy nhiên nếu không giải quyết tốt vấn đề này và xây dựng được một đội ngũ những lập trình viên đủ tốt thì đó vẫn sẽ mãi là mục tiêu xa vời và mọi thứ rốt cục cũng chỉ quanh quẩn trong tầm Việt Nam mà thôi.
Nên trong thời gian sắp tới tôi sẽ lại dành thêm thời gian nhất định để tiếp tục đi sâu vào vấn đề này. Tất nhiên tôi không có tham vọng sẽ phải làm một cái gì đó vĩ mô. Đơn giản tôi nhận thấy mình có một số thế mạnh trong vấn đề này và tôi muốn phát huy để xây dựng bản thân trở thành một mắt xích quan trọng trong một công ty CNTT Việt Nam toàn cầu tương lai. Và liệu đó có phải niềm đam mê của tôi không nhỉ ^_^
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.ngonpham.com/2010/03/i-tim-nhung-sieu-lap-trinh-vien-viet.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét