Gửi lúc 11:25' 09/11/2009
Mở mắt cho… "cậu nhỏ"
Là một bác sĩ nhi, chắc hẳn ai cũng có đôi lần nghe: "Bác sĩ ơi con tôi có cần phải cắt hay nong da quy đầu không?" Nếu trả lời không, sẽ khó thoát khỏi ánh mắt nghi ngờ.Và câu hỏi này sẽ tiếp tục được đặt ra với các bác sĩ chuyên khoa sâu hơn như niệu khoa, hay thậm chí là các bác sĩ… nam khoa.
Hẹp da quy đầu ở trẻ trai là tình trạng khi da quy đầu không thể kéo lên trên khỏi khấc quy đầu. Tại phòng khám ngoại của bệnh viện Nhi Đồng 2 với hơn 300 lượt khám mỗi ngày, trong đó số bệnh nhi khám vì vấn đề da quy đầu chiếm khoảng 20%. Tuy vậy, số lượng được điều trị phẫu thuật lại chưa đến 5%. Thế thì tại sao các bậc phụ huynh lại luôn quan tâm đến da quy đầu của con mình? Điều trước tiên, có lẽ trong thời buổi các công chức nhà nước luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch hoá gia đình, khi đã hạ sinh được một quý tử, từ ông bà nội ngoại đến cô dì chú bác và đặc biệt là các bà mẹ luôn để ý đến "cậu nhỏ" của cậu ấm, nhằm phục vụ cho việc duy trì nòi giống sau này.
Dưới ba tuổi, "nhắm mắt" là bình thường
Có một điều các phụ huynh đã không biết hoặc biết nhưng quên, tất cả các cậu bé dưới ba tuổi, bao giờ cũng bị hẹp da quy đầu. Hiện tượng này được gọi là hẹp da quy đầu sinh lý ở trẻ nhũ nhi. Ngay khi sinh ra, phần quy đầu và phần da quy đầu thường dính chặt vào nhau, sau đó chúng sẽ tự động tách rời nhau ra dần vào khoảng vài tháng đầu của năm đầu tiên. Phần quy đầu và da quy đầu chỉ tách rời nhau hẳn, hay nói nôm na da quy đầu có thể tụt lên xuống dễ dàng là vào lúc trẻ từ 3 – 4 tuổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng khi thấy "cậu nhỏ" của con mình lúc nào cũng "nhắm mắt", được da bao phủ kín. Và cũng không có lý do gì, phải mang con dưới ba tuổi đến bệnh viện để nong da quy đầu khi bé hoàn toàn phát triển bình thường. Điều này chỉ gây đau đớn và thương tổn tâm lý cho các bé.
Vậy thì khi nào mới phải đưa bé đến khám vì hẹp da quy đầu? Như đã nói, diện mạo bên ngoài của hẹp da quy đầu không phải chuyện đáng lo nhiều nếu các bé vẫn đi tiểu bình thường, vẫn sinh hoạt, ăn uống tốt. Phụ huynh chỉ nên đưa bé đi khám khi thấy các triệu chứng sau: khi tiểu bé phải rặn nhiều, làm da quy đầu phồng to ra; da quy đầu sưng đỏ do bị viêm; có đọng nhiều mủ hoặc các cặn lắng màu trắng còn gọi là "chất ke"; sẹo xơ cứng vùng da quy đầu (thường là triệu chứng muộn của hẹp da quy đầu); có biến chứng thắt nghẹt bao quy đầu; khi trẻ đã lớn hơn ba tuổi nhưng da quy đầu vẫn chưa tụt lên được.
Phẫu thuật có làm trẻ đau đớn?
Trước hết phải minh định rõ một điều, không phải trường hợp nào bị hẹp da quy đầu cũng đều phải can thiệp bằng phẫu thuật. Có đến 70% các trường hợp hẹp da quy đầu ở trẻ trên ba tuổi không cần điều trị phẫu thuật. Thay vào đó các bác sĩ sẽ thực hiện nong da quy đầu kèm với sử dụng các loại kem bôi tại chỗ. Ngoài ra cũng nên phân biệt với hiện tượng dài da quy đầu, tức là da quy đầu của bé dài che phủ cả vùng quy đầu, nhưng vẫn có thể kéo lên trên một cách dễ dàng. Trường hợp này cũng không nhất thiết phải cắt da quy đầu.
Cắt da quy đầu là phẫu thuật đơn giản, an toàn và nguy cơ rất thấp. Tuy vậy, cũng giống như các cuộc phẫu thuật khác, các bác sĩ buộc phải thông tin về các biến chứng có thể xảy ra để phụ huynh biết. Thường đó là các biến chứng về gây mê, chảy máu, nhiễm trùng sau mổ. Ngoài ra, sau khi cắt da quy đầu, bé phải được thay băng chăm sóc vết mổ mỗi ngày, trong khoảng một tuần, để tránh biến chứng sẹo dính chít hẹp da quy đầu.
Phẫu thuật cắt bỏ đi phần da quy đầu dư là một thủ thuật được thực hiện cách đây…15.000 năm ở Ai cập, sau đó lan rộng trong thời kỳ di dân của người tiền sử. Các xác ướp Ai Cập, cũng như các kiến trúc chạm trổ khắc trên tường được phát hiện vào thế kỷ thứ 19 cho thấy kỹ thuật này đã được ghi nhận từ 6.000 năm trước công nguyên. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, vì rất nhạy cảm và sợ đau nên không thể áp dụng kỹ thuật gây tê tại chỗ đơn thuần để thực hiện phẫu thuật như người lớn. Tại khu phẫu thuật trong ngày của bệnh viện Nhi Đồng 2, bé sẽ được gây mê cho ngủ nhẹ nhàng, phối hợp gây tê tại chỗ để kéo dài việc giảm đau sau mổ. Cuộc phẫu thuật chỉ kéo dài khoảng 30 phút, thường các bác sĩ khâu bằng chỉ tan, nên không phải cắt chỉ, gây khó chịu và đau đớn cho bé. Sau mổ, bé chỉ cần lưu lại bệnh viện đến chiều, rồi về nhà nghỉ ngơi với ba mẹ.
Bản gốc: Sức khỏe số - Mở mắt cho… "cậu nhỏ"
0 nhận xét:
Đăng nhận xét