Thuê nhà sao phải vay tiền?
Theo Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, trên thế giới, nhà ở xã hội chỉ cho thuê. Chính phủ tham gia đầu tư xây dựng nhà giá rẻ giúp người cần nhà được thuê. Nhưng, tại Việt Nam, Thông tư quy định hỗ trợ nhà ở vừa được NHNN ban hành cho phép người thuê, thuê mua nhà ở xã hội được vay lãi suất hỗ trợ trong 3 năm. Ông Liêm cho rằng, quy định trên không hợp lý.
Theo ông Liêm, người nghèo cần nhất chỗ ở, chưa cần sở hữu nhà. Nhà ở xã hội chỉ nên cho thuê. Quy định “thuê mua” trong Thông tư thực chất vẫn là đi thuê nhưng với giá cao hơn.
Đi thuê nhà xã hội có cần phải vay tiền ngân hàng? (ảnh minh họa)
Thực tế, tiền thuê nhà phải trả hàng tháng. Nếu NHNN cho vay tiền lãi suất thấp để thuê sẽ không hợp lý.“Thuê và thuê mua làm sao phải cho vay tiền, chẳng lẽ không trả được tiền thuê nhà hàng tháng?”, ông Liêm nói.
Tuy nhiên, vị này cho rằng giá thuê nhà phải hợp lý. Tiền thuê nhà không vượt qua 30% tổng thu nhập 1 gia đình.
Quy định về đối tượng được hỗ trợ lãi suất cho thuê và thuê mua nhà của NHNN bị hạn hẹp trong nhóm công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, thị trường nên có nhiều nhà thương mại giá rẻ dưới 15 triệu/m2 để bán cho bất cứ ai muốn mua. Theo đó, không có định nghĩa là “nhà xã hội” mà chỉ là “nhà giá thấp”.
Không nên đòi hỏi kéo dài lãi suất thấp
Gói hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho người thuê, thuê mua nhà xã hội và mua nhà thương mại kéo dài trong 3 năm. Người dân tỏ ra băn khoăn mức lãi suất sau thời điểm 3 năm, đã đề nghị NHNN kéo dài thời hạn được vay với lãi suất thấp. Tuy nhiên, ngày 25/3, NHNN khẳng định: mức lãi suất ưu tiên 6%/năm trong 3 năm là phù hợp. Sau thời gian 3 năm (15/4/2016), NHNN sẽ công bố mức lãi suất ưu đãi mới, phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đực, chuyên gia bất động sản, tuy gói hỗ trợ chỉ trong vòng 3 năm nhưng rất cần thiết và kịp thời. Người dân không nên đòi hỏi hơn vì sức ngân hàng có hạn và phải cân đối nhiều ngành khác.
Theo phân tích của ông Đực, sau 3 năm đầu với lãi suất 6%, 7 năm sau số nợ còn 70%. Theo thời gian, tình hình kinh tế cải thiện. Lạm phát giảm dần. Lãi suất trên thị trường thương mại cũng giảm. Do đó, số nợ 70% còn lại chịu mức lãi suất 10% cũng chỉ tương đương với số nợ 100% với lãi suất 6%.
“Người dân hoàn toàn yên tâm với số nợ được trả góp trong 3 năm đầu. 7 năm sau người dân tự lo là hợp lý”, ông Đực nói.
Không nên "đòi hỏi" NHNN phải hỗ trợ nhiều hơn 30.000 tỷ (ảnh minh họa)
Dự thảo Thông tư quy định hỗ trợ nhà ở không cho phép hỗ trợ lãi suất mua nhà ở xã hội. Chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực cho rằng đó là điều bất công với đối tượng hưởng lương nhà nước. Ngoài ra, quy định trên còn ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường nhà ở xã hội.Đánh giá cao quyết định hỗ trợ lãi suất cho bất động sản của NHNN, nhưng Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nghi ngại số tiền 30.000 tỷ đồng chỉ như "muối bỏ biển" so với nhu cầu vay thực của người thu nhập thấp hiện nay.
Theo ông Hiếu, người dân hiện nay rất dè chừng với các gói tín dụng cho vay mua bất động sản của ngân hàng. Vì vậy, để người dân yên tâm vay tiền mua nhà thì lãi suất ngân hàng cần hợp lý và cố định tròng thời gian dài. Thông tư hỗ trợ lãi suất của NHNN chỉ kéo dài trong 3 năm, thời hạn vay trong 10 năm là quá ngắn với người thu nhập thấp.
“NHNN nên kéo dài lãi vay cố định trong thời gian từ 15 – 20 năm. Nếu NHNN chỉ cố định trong thời gian ngắn rồi lại điều chỉnh, người có nhu cầu vay thực cũng không dám vay do không biết thu nhập có đủ trang trải để trả nợ trong tương lai hay không", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét