Là một bước tiến mới về cải cách hành chính, đề án này nhận được nhiều sự đồng thuận. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến e ngại bởi tính khả thi...
Người dân gắn với 12 con số suốt cuộc đời
Theo đó, số chứng minh nhân dân mới 12 số sẽ trùng hợp với mã định danh cá nhân, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời (ngay cả trong trường hợp công dân thôi/bị tước quốc tịch Việt Nam, khi được trở lại/nhập quốc tịch Việt Nam, số định danh cá nhân không thay đổi), không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Mã số định cá nhân sẽ bao gồm 22 nội dung: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất.
Về thẩm quyền cấp mã số cá nhân, công an cấp huyện, cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền cấp cho công dân đối với người đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực.
Trước mắt, Bộ Công an sẽ là đầu mối giúp Chính phủ quản lý kho số định danh cá nhân (trên cơ sở kho số định danh cá nhân Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng và quản lý).
Mỗi ngày, 1 cán bộ tiếp dân phải giải quyết 50 hồ sơ
Tiết kiệm tối thiểu 2.500 tỷ đồngTheo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, việc cung cấp số định danh cá nhân thay cho việc phải khai các thông tin cá nhân, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian điền thông tin, ước tính khoảng trên 461 tỷ đồng/năm. Nếu trừ đi các khoản chi phí tại 4 cấp chính quyền trong các giao dịch hành chính thì mới có thể tiết kiệm được tối thiểu là gần 2.500 tỷ đồng.
Theo thống kê, hiện nay trong số 5.400 thủ tục hành chính các loại thì có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới giấy tờ của công dân. Với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hàng năm trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Phần lớn thủ tục hành chính đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao, trong khi mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ.
Chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có gần 400 loại tờ khai. Ông Doãn Đức Bảo, Phó chủ tịch phường Phố Huế (Hà Nội) cho biết, nếu mã số định danh cá nhân có đủ 22 thông tin như dự thảo của Bộ Tư pháp nêu thì sẽ rất hữu ích. Mọi thủ tục hành chính sẽ được giảm bớt rất nhiều khi công dân thực hiện các giao dịch liên quan tới thủ tục hành chính. Theo ông Bảo, hiện nay ở cấp phường quản lý hơn 150 loại mẫu giấy tờ liên quan tới thủ tục hành chính. Chỉ tính trung bình, mỗi ngày 1 cán bộ tiếp dân phải giải quyết 50 hồ sơ.
Còn theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ: “Mã số định danh cá nhân chí ít cũng làm giảm được tình trạng tội phạm giả mạo, sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức đang rất nhức nhối hiện nay”. Theo Th.s Nguyễn Thị Dung, Viện Nghiên cứu lập pháp thì việc xây dựng SĐDCD nhằm “tạo tiền đề cho công tác quản lý của Nhà nước có hiệu quả”. Đây là nội dung mới, tiến bộ mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.
Ông Tạ Đình Hùng (37 tuổi, giám đốc Công Ty TNHH MTV H.C.) cho hay vệc làm ăn của các công ty trong nước với các đối tác nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Không ít trường hợp đã không hợp tác bởi thủ tục hành chính quá rườm rà, làm thất bại nhiều hợp đồng kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân trong nước và nước ngoài hợp tác với nhau, nhưng đối tác bạn thiếu tin tưởng do có nhiều loại giấy tờ nhưng thông tin không đồng nhất, nên họ sợ bị lừa. Việc triển khai cấp cho mỗi người một mã số định danh từ lúc khai sinh sẽ giúp truy nguyên cá nhân một cách chính xác, và là cơ sở để tạo lòng tin. Điều này rất thuận lợi cho các hợp đồng kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như cá nhân trong nước.
Trùng với số CMND mới – Mã số định danh cá nhân có nhất cử lưỡng tiện? (Ảnh minh họa)
Và những quan ngại…Mặc dù chưa đi vào áp dụng, nhưng dự thảo cũng đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi từ phía người dân. Hầu hết đều đồng tình với dự thảo này và cho rằng đây là một bước đi đúng đắn của Bộ Tư pháp. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình khả thi của nó. Nhiều người khi được hỏi đã không tán thành việc cấp mã số định danh, họ lo ngại sẽ có sự trùng lặp khi cấp mã số định danh như cấp số chứng minh nhân dân. Theo anh Nguyễn Quang – CT9 - Khu đô thị Định Công, Hà Nội thì cần tính toán kỹ xem một mã số định danh sẽ thay thế được mấy loại giấy tờ và có tính khả thi hay không và nếu có những thay đổi về vợ, con và những sự thay đổi trong cuộc đời thì bổ sung ra sao?
Chia sẻ với báo chí, Ông Phạm Xuân Phương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội lại băn khoăn có thể thay thế mã số định danh với mã số Hộ chiếu hoặc mã số CMND mà hiện nay Bộ Công an đang quản lý hay không? Theo ông Phương, mã số định danh chỉ mang tính quốc gia, còn mã số hộ chiếu có tính chất quốc tế. Chúng ta cần tuân theo những quy định chung của cả thế giới chứ không thể một mình một kiểu. "Chúng ta đều biết mã số CMND gắn liền với tàng thư dấu vân tay của từng người. Người ta có thể khai man, làm giả, thậm chí cố tình cung cấp sai lệch mã số định danh với mục đích xấu, nhưng với dấu vân tay thì không ai có thể giả mạo được. Do đó theo tôi, vẫn phải duy trì hai mã số đặc thù này của cơ quan công an" - ông Phương nói.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ, liệu mã số cá nhân có thay thế được số CMND, mã số thuế… hay không? “Nếu không làm được việc đó thì việc xây dựng thêm mã số cá nhân không mang nhiều ý nghĩa, thậm chí còn làm rối thêm vấn đề” - ông Sỹ nói. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH Hà Đình Bốn cho rằng cần phải nghiên cứu tiến tới chỉ có một mã số duy nhất, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “loạn mã số”. “Ngành công an đang triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư nhưng cụ thể gồm những thông tin gì, mình có được lấy không thì không biết. Phải xem lại mã số này và cần dân sự hóa” - ông Bốn kiến nghị.
Bên cạnh đó, không thể không kể tới việc cập nhật liên tục và nhanh chóng những nội dung đó vào rất khó khăn trong một đất nước có gần 90 triệu dân khi thực tiễn ở Việt Nam còn khó để áp dụng đồng bộ do hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay chưa thể bảo đảm cho việc tích hợp và ứng dụng từ các thông tin hộ tịch của cá nhân...Và nếu không có một giải pháp tổng thể, đồng bộ thì không những việc cấp mã số định danh không mang lại hiệu quả mà còn làm rườm rà thêm thủ tục hành chính.
Dự thảo đề án đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng... Theo dự thảo đề án, việc cấp mã số định danh công dân sẽ được triển khai từ tháng 6/2013 đến tháng 5/2014.
Theo Lê Nguyễn (Pháp luật & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét