Thay sếp như thay áo
Tiếp tục làn sóng thay sếp như thay áo trong năm liền trước, mới đầu năm 2013 giới đầu tư đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ nhân sự cao cấp tại rất nhiều DN, mà nóng nhất có lẽ vẫn là khối chứng khoán, BĐS, tài chính, ngân hàng.
Ngày 22/3, cổ phiếu SBS của CTCP chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín chính thức bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, bi đát hơn gần như toàn bộ dàn lãnh đạo của SBS bất ngờ từ nhiệm trong tuần vừa qua sau 9 tháng ngồi ghế nóng đã khiến hy vọng của một số người về sự phục hồi doanh nghiệp đổ vỡ. Như vậy, một dàn lãnh đạo mới từ giám đốc, phó giám đốc và một số thành viên HĐQT được bầu hồi tháng 6/2012 giờ lại được thay đổi.
Sự thất vọng thể hiện khá rõ, giá cổ phiếu đã giảm sàn liên tục 22 phiên từ ngày 20/2 với mức 3.400 đồng/cp xuống còn 900 đồng/cp vào ngày 21/3.
Không chỉ SBS, trong vòng chưa đầy 3 tháng đầu năm 2013, TTCK đã chứng kiến hơn 10 sếp lãnh đạo CTCK phải rời ghế nóng trước áp lực an toàn tài chính và sự đổi ngôi trong HĐQT của các đơn vị này.
Trong lĩnh vực ngân hàng, giới đầu tư vừa đón nhận thông tin bà Đàm Bích Thủy (CEO cũ của ANZ) sẽ về làm Tổng giám đốc của Ngân hàng VIB; VietBank đón nhận tổng giám đốc mới từ giữa tháng 3; Ngân hàng Phương Nam có 3 thành viên HĐQT xin từ nhiệm; Western Bank lên kế hoạch bổ nhiệm nhân sự cho vị trí tổng giám đốc; KienLongBank chính thức bổ nhiệm ông Phạm Khắc Khoan làm tổng giám đốc thay ông Trương Hoàng Lương…
Ở các lĩnh vực khác, trong vòng 4 tháng qua, sự thay đổi sếp tổng cũng diễn ra rất mạnh mẽ như tại PVX, BT6, SDN, SGT, KBC…
Có một điểm khá buồn là tốc độ thay đổi nhân sự cao cấp ở các doanh nghiệp diễn ra rất nhanh. Nếu như dàn lãnh đạo SBS ngồi ghế nóng được 9 tháng thì ở SGT tổng giám đốc chỉ mới nhận nhiệm vụ được 8 tháng. Tại nhiều ngân hàng, nơi mà nhiệm kỳ của một CEO thông thường phải 4-5 năm thì gần đây nhiều đơn vị cứ 1-2 năm lại phải thay tổng giám đốc một lần như trường hợp của TienPhong Bank, VIB,
Lợi hay hại?
Hiện tượng doanh nghiệp ồ ạt thay đổi các nhân vật chủ chốt có nhiều nguyên nhân. Có thể đó là do doanh nghiệp khó khăn, cũng có thể là do việc đổi chủ sở hữu, cơ cấu lại tổ chức, mua bán sáp nhập… Trong đó, doanh nghiệp gặp khó khăn được cho là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng thay đổi sếp tổng trong vài năm gần đây.
Thực tế cũng như lý thuyết cho thấy khi một doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn việc thay “tướng” là lựa chọn mà các cổ đông nghĩ tới đầu tiên. Trong một môi trường khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững nhưng ở chiều ngược lại cũng có không ít doanh nghiệp vẫn vươn lên, thậm chí còn chớp được cơ hội để chiếm lĩnh thị trường.
Mặc dù vậy, thực tế cũng cho thấy việc thay đổi sếp quá nhanh, quá nhiều đôi khi gây ra sự xáo trộn khiến doanh nghiệp tiếp tục xa vào bùn lầy. Một điểm điều quan trọng nữa là đôi khi DN không xác định rõ đâu là nguyên nhân khiến mình rơi vào bi bét để từ đó tìm cách tháo gỡ. Doanh nghiệp không thể đi lên nếu chỉ dựa vào vai trò của người lãnh đạo nếu các cổ đông của doanh nghiệp không xem lại định hướng phát triển của mình có còn đúng không, con đường mình đi là như thế nào và tái cơ cấu đã thực sự triệt để hay chỉ là một sự thay đổi lãnh đạo thuần túy.
Sau những quyết định bổ nhiệm không hợp lý rất có thể là sự thoái vốn hàng loạt của các nhà đầu tư tổ chức - những người có nhiều kinh nghiệm có thể giúp doanh nghiệp vượt ra khỏi khó khăn.
Có thể thấy, ở mỗi doanh nghiệp, tình trạng tài chính, tình trạng quản trị và chiến lược là khác nhau. Do vậy, việc thay đổi lãnh đạo ở từng đơn vị cụ thể chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ nhất là vì sao. Mặc dù vậy, cái đích cuối cùng của các quyết định “thay máu” lãnh đạo có lẽ cuối cùng cũng là thay đổi để phù hợp, thay đổi để phát triển, hoặc do áp lực từ cổ đông lớn, hoặc ý đồ thâu tóm…
Thay đổi là để phát triển nhưng chỉ có sự hợp lý mới tồn tại. Việc mải miết với những quyết định sa thải-bổ nhiệm không hẳn đã là tốt cho doanh nghiệp. Khủng hoảng giúp doanh nghiệp lộ rõ yếu kém và đây là cơ hội để các doanh nghiệp làm mới mình, phù hợp với một giai đoạn tăng trưởng mới, có lẽ đang hướng về chất nhiều hơn, trong một môi trường mà tính cạnh trạnh ngày càng cao. Doanh nghiệp làm ăn bền vững và có chiến lược đàng hoàng như một số đơn vị trong lĩnh vực thực phẩm, nông sản… chắc hẳn có cơ hội phát triển mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn nhỏ, trong và ngoài nước.
Huấn Tú
0 nhận xét:
Đăng nhận xét