Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Tư pháp đưa ra vào chiều 26/3 vừa qua trong buổi hội thảo lấy ý kiến về dự thảo “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến dân cư”.
Tại hội thảo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết số chứng minh thư nhân dân mới gồm 12 chữ số mà Bộ Công an đang thí điểm cấp sẽ là số định danh cá nhân.
CMND mới ghi tên cha mẹ do Bộ công an cấp (Ảnh: VietNamNet) |
Mã số này sẽ được cấp cho công dân từ khi sinh ra (đăng ký khai sinh) và theo công dân đến khi chết (đăng ký khai tử).
Về việc số định danh cá nhân sẽ thay thế số thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn lý giải: "Đây là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Công dân chỉ cần biết duy nhất 'mã' này và đây là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".
Dự thảo này được đánh giá cao và hiện đang nhận được sự ủng hộ của hầu hết người dân, bởi số hóa, điện tử hóa thông tin là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện tại và đây sẽ là nền tảng cho việc thực hiện đơn giản hóa, giảm bớt những phiền nhiễu liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Tuy nhiên, đề án cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến quá trình triển khai trong thực tế.
Trước hết là vấn đề bảo mật thông tin, tránh bị mất cắp hoặc bị truy xuất bởi những người không có thẩm quyền. Các ý kiến của người dân cho rằng nếu không quản lý và bảo mật tốt thì thông tin cá nhân của công dân sẽ bị đánh cắp hoặc rao bán như một món hàng.
Ngay cả khi chưa triển khai mã số định danh như trên thì thực tế tình trạng bị lấy cắp thông tin cá nhân để bán cho các hãng bảo hiểm, ngân hàng, … đã diễn ra phổ biến.
Thứ hai là vấn đề cấp mã định danh. Các ý kiến cho rằng để tiết kiệm và thuận tiện thì nên sử dụng số CMND làm mã số định danh vì ai cũng có CMND và đều đã đăng ký với phường, xã.
Đối với những người chưa có CMND có thể làm mới mã định danh. Như vậy vừa tiết kiệm vừa tránh việc mọi người phải bỏ thời gian ra đi làm lại và cũng tránh quá tải cho cán bộ Nhà nước. Đặc biệt, cần bỏ tên cha mẹ ra khỏi CMND.
Thứ ba là liệu có nên để mã số này thay thế toàn bộ tất cả số thẻ các loại hay không. Lấy ví dụ về thẻ BHYT.
Mỗi công dân sẽ có một mã số định danh, gắn bó từ khi ra đời cho đến khi qua đời.? |
Trên thực tế, không phải đối tượng nào cũng tham gia sử dụng thẻ BHYT do Nhà nước cấp, họ có thể sử dụng BHYT của các hãng tư nhân và các hãng này sẽ cấp thẻ BHYT cho họ. Do đó, nên loại trừ những loại thẻ đặc thù ra khỏi mã số định danh này.
Các cơ quan quản lý cũng có nhiều ý kiến góp ý, ví dụ như sự chồng chéo trong quản lý giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an hay như việc các Bộ, ngành khác nhau có nhu cầu sử dụng thông tin của công dân khác nhau, nếu không có “bộ lọc” hữu hiệu thì có thể sẽ gây rối trong quá trình vận hành.
Trước những vấn đề nêu trên, VietNamNet mở diễn đàn về việc cấp mã số định danh cho công dân để bạn đọc có thể đóng góp ý kiến nhằm xây dựng dự thảo này hoàn thiện hơn, góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, thuận lợi trong quản lý.
Mọi ý kiến, bài viết góp ý, chia sẻ xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn
VietNamNet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét