Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ Nhất (QH khóa XIII), ngày 21/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã có báo cáo về thẩm tra đánh giá "tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, những nhiệm vụ, giải pháp trong tâm 6 tháng cuối năm 2011".
Theo đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng như đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ thì yếu tố chủ quan xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế như tình trạng thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp...
Việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu, điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VNĐ, tăng lãi suất ngân hàng tập trung dồn dập vào khoảng thời gian ngắn đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất trong khi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác quản lý thị trường với thông tin tuyên truyền còn hạn chế. Qua đó gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều mặt hàng khác.
Các vị lãnh đạo Nhà nước tại phiên khai mạc QH khóa XIII (ảnh Quý Đoàn) |
Thêm vào đó, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và do lãi suất vay quá cao. Lãi suất tăng cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, không ít dự án bị đình hoãn hoặc có nguy cơ đình hoãn. Ủy ban Kinh tế nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu bị đình trệ và kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012.
Nhập siêu 6 tháng đầu năm bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra cả năm là 18% nhưng theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, chưa có tính bền vững do đóng góp vào việc giảm tỷ lệ nhập siêu này là có yếu tố tăng giá và tăng xuất khẩu kim loại quý và nếu nhập siêu không được kiểm soát tốt thì cán cân thương mại sẽ tiếp tục thâm hụt lớn, tỷ giá vẫn có nguy cơ chịu sức ép tăng vào cuối năm.
Về công tác triển khai thực hiện cắt giảm đầu tư công theo nghị quyết 11, nhiều bộ ngành, địa phương còn đang lúng túng, đến hết tháng 5 vẫn chưa có số liệu bổ sung hoàn chỉnh. Cơ quan chức năng cũng chỉ mới tổng hợp báo cáo của 23 trong tổng số hơn 100 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Giám sát của Ủy ban Kinh tế tại một số địa phương cho thấy, việc hướng dẫn về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng, cũng như không có tiêu chí thống nhất đã gây trở ngại cho việc triển khai thực hiện.
Mặc dù việc thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã gây ra một số khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tiếp tục kiên trì thực hiện một cách nhất quán và cương quyết NQ11.
Thời gian tới, cần điều tiết tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm gây sức ép cân đối tiền hàng, làm gia tăng lạm phát. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2011 dư nợ tín dung tăng 7%, như vậy dư nợ tín dụng 6 tháng cuối năm còn 13%.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, cần chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng để ổn định và từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét