Sau khi gia nhập WTO, cơ chế kinh tế của nước ta thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các công ty, tập đoàn kinh tế của nước ngoài “tấn công” vào thị trường Việt Nam.
Đây là bước tiến thể hiện sự hội nhập của kinh tế, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh khốc liệt hơn để tồn tại và phát triển.
Thị trường sôi động hơn nhờ nhượng quyền thương hiệu Bằng con đường nhượng quyền thương hiệu (NQTH), nhiều tên tuổi lớn thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề của thế giới đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức NQTH (franchising). Trong lĩnh vực đồ ăn nhanh, người tiêu dùng đã dần quen thuộc với các thương hiệu nổi danh thế giới như KFC, Lotteria, Mc Donald’s,…
Trong lĩnh vực siêu thị, Đức “đổ bộ” vào Việt Nam với hệ thống siêu thị Metro nằm ở những địa thế đẹp và thuận lợi. “Đại gia” mực in Cartridge World cũng không chịu kém cạnh khi bắt đầu chiến lược NQTH qui mô tại nước ta.
Đó là những thương hiệu lớn đã thành danh ở Việt Nam nhờ NQTH, còn rất nhiều những công ty, tập đoàn của nước ngoài khác cũng đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ta nhờ hình thức kinh doanh này.
Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vì bằng hình thức NQTH, các thương hiệu thế giới sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt với tâm lý “sính ngoại” phổ biến trong người tiêu dùng hiện nay thì khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt là càng lớn.
Làm sao để thắng ngay trên “sân nhà”?
Ông Eckart Dutz, Tổng giám đốc Cartridge World Việt Nam, cho rằng lợi thế đang thuộc về các công ty nước ngoài, bởi “các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về kỹ thuật thiết lập hệ thống, duy trì chất lượng của hệ thống và kinh nghiệm kinh doanh nhượng quyền”.
Tuy nhiên ông Lý Quý Trung, Giám đốc tập đoàn Nam An và chủ sở hữu thương hiệu Phở 24 lại nhận định NQTH chính là giải pháp cho các doanh nghiệp trong nước trước làn sóng thâm nhập của các thương hiệu quốc tế, bởi vì “ở Việt Nam vẫn còn rất ít người biết đến các thương hiệu thế giới”. Và để giành lại thị phần thức ăn nhanh, Phở 24 đã dùng hình thức franchising, đến nay Phở 24 đã có 19 cửa hàng tại Việt Nam và 1 tại Indonesia.
Cũng như Phở 24, nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn và nhanh chóng áp dụng franchising để chiếm lĩnh lại thị trường. Về may mặc, có thể kể đến FOCI với 40 cửa hàng trên toàn quốc nhờ franchising.
Về đồ uống, café Trung Nguyên tiếp tục phát triển mạnh mẽ với hơn 1000 tiệm café ở mọi miền đất nước. Về thực phẩm, Công ty Tư vấn Y dược Quốc tế IMC đang thực hiện kế hoạch nhân rộng thương hiệu Lohha trên phạm vi cả nước.
Lohha là tên gọi chuỗi cửa hàng chuyên về thực phẩm chức năng, tại đây cung cấp những thực phẩm chức năng đảm bảo chất lượng, đồng thời có các chuyên gia tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua hệ thống webcam được gắn ngay trong cửa hàng. IMC hi vọng thông qua franchising, Lohha sẽ trở thành thương hiệu phổ biến với người tiêu dùng nội địa, từ đó tạo đà vươn ra thị trường thế giới.
Đây không chỉ là giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả với các thương hiệu quốc tế mà còn là con đường để nền kinh tế nước ta phát triển. Bởi vì nếu chúng ta cứ mở các cửa hàng, chi nhánh cho các thương hiệu nước ngoài thông qua franchising, chỉ có một phần lợi nhuận vào tay chúng ta còn phần lớn vẫn chuyển ra nước ngoài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét