Thế giới công nghệ trong hai ngày vừa qua tràn ngập các bài viết về sự kiện Google Trung Quốc đã gỡ bỏ bộ lọc tìm kiếm các từ khóa nhạy cảm, bất chấp việc có thể bị đóng cửa công ty tại thị trường đông dân số một thế giới này. Đây có thể được xem là một thách thức đối với chính phủ Trung Quốc và kết quả có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các công ty dot-com nước ngoài tại thị trường này.
Hầu hết các báo và blogger công nghệ đều nhận định đây là một bước đi đầy rủi ro và sai lầm của gã khổng lồ tìm kiếm, nhưng một số người ngoài giới lại xem đây là một hành động đáng hoan nghênh với mục đích gây áp lực nhằm giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với thế giới online. Vậy thực hư và kết quả câu chuyện sẽ diễn ra theo chiều hướng nào? Và liệu sự kiện này sẽ có những tác độc nào đến thị trường Việt Nam? Đó là vấn đề tôi muốn tìm hiểu thông qua bài viết này.
1. Đứng từ góc độ Google
- Nếu Google thành công, tức chính phủ Trung Quốc nhượng bộ: Điều này sẽ tạo ra một lợi thế rất lớn cho Google cũng như toàn bộ các công ty dot-com nước ngoài tại Trung Quốc. Google sẽ có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ tại thị trường nội địa như Baidu và hoàn toàn có khả năng vượt qua công ty này để trở thành công cụ tìm kiếm số một Trung Quốc, so với tình trạng hiện tại Google vẫn còn đứng sau Baidu một khoảng cách khá xa
- Nếu Google thất bại và phải đóng cửa: Điều này dường như họ sẽ đánh mất thị trường Internet số một thế giới. Tuy nhiên thực ra Google vẫn có thể tập trung cho những bản tiếng Hoa trên Google.com và thu tiền từ đó, một cách hoàn toàn với việc họ không cần setup công ty ở Việt Nam nhưng vẫn thu tiền đều đều. Ngoài ra, Google cũng sẽ có thể quay lại giương cao ngọn cờ chính nghĩa, sử dụng những nguyên tắc chung của họ trên toàn thế giới, chứ không phải phá bỏ những quy tắc tại một thị trường riêng như Trung Quốc trong vòng bốn năm qua.
2. Đứng từ góc độ chính phủ Trung Quốc
- Nếu chính phủ mạnh tay, buộc Google phải đóng cửa: Điều này sẽ gây ra một tác động rất xấu cho toàn bộ nền kinh tế online Trung Quốc. Google dù sao cũng là một đại gia trong lĩnh vực và việc họ rút lui sẽ làm cho giới công nghệ trên toàn thế giới thấy rằng chính phủ Trung Quốc là một thế lực gì đó xấu xa và độc quyền. Điều này cũng sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực liên quan khiến các nhà đầu tư có thể đổ xô sang các khu vực khác, nơi họ có được môi trường thông thoáng hơn.
- Nếu chính phủ nhượng bộ Google: Điều này sẽ thực sự là một cơn ác mộng bởi những nội dung phản động sẽ lan tràn khắp trên Google, cũng như tạo một tiền đề xấu cho các công ty dot-com nước ngoài khác tiếp tục đứng lên sau này.
3. Đứng từ góc độ Việt Nam
- Nếu Google thành công: Điều này sẽ tạo ra những tác động rất tích cực. Nền kinh tế online Trung Quốc sẽ thông thoáng và các đại gia như Google sẽ có đủ khoảng không vẫy vùng. Việc này sẽ từng bước mở đường cho các công ty chư hầu của họ tiến vào thị trường Internet lớn nhất thế giới, trong đó rất có thể sẽ có những công ty Việt Nam tương lai. Ngoài ra việc chính phủ Trung Quốc nhượng bộ cũng sẽ khiến chính phủ Việt Nam ...chột dạ ;)), không dám mạnh tay "kiểm soát" thế giới online như hiện nay, bởi hầu hết các chính sách Việt Nam đang áp dụng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc.
- Nếu Google thất bại và phải đóng cửa: Google sẽ phải xây dựng những bàn đạp vững chắc ở các thị trường khác trong khu vực. Có thể thấy gần như Đông Nam Á sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu, bởi vừa nằm gần Trung Quốc, thị trường lại còn tương đối sơ khai, cũng như họ đã gần như đạt được vị trí số một ở tất cả các quốc gia trong vùng. Nếu điều này xảy ra thì Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn nhờ vị trí, thị trường đông dân và nguồn nhân lực trong lĩnh vực khá dồi dào.
Như vậy thì dù kết quả của cuộc chiến thế nào thì cũng sẽ có tác động tích cực đến thị trường online Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ khả năng lớn sẽ là một sự thỏa hiệp giữa chính phủ Trung Quốc và Google về vấn đề này với một lợi thế tương đối nhỉnh hơn cho Google. Và chúng ta hãy cùng chờ xem những động tĩnh chính thức từ phía chính phủ Trung Quốc trong những ngày sắp tới :)
Xem đầy đủ bài viết tại http://ngonpham.blogspot.com/2010/01/nuoc-co-chien-luoc-cua-google-tai-trung.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét