Theo đánh giá của Bộ xây dựng, giá cả nhà ở trên thị trường nhìn chung vẫn còn ở mức quá cao so với mức thu nhập của đại đa số các tầng lớp cư dân. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nguồn cung về nhà ở - đặc biệt là nhà ở giá thấp và trung bình - còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thừa nhận, nếu chỉ trông vào lương thì người dân không thể mua được nhà. Chia sẻ với báo chí cách đây không lâu, ông Nam cho rằng, với giá cả nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể “với tới” nhà thu nhập thấp. “Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được”, ông Nam thẳng thắn.
Theo lãnh đạo Bộ xây dựng, để mua được nhà, ngoài thu nhập cần phải có sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. “Nhà nước nghĩ rằng người dân chỉ trông vào lương không mua được nên nhà Nhà nước mới đưa ra gói 30.000 tỷ đồng để cho người dân vay để mua”, ông Nam cho hay.
Hiện, rất nhiều người có đủ thu nhập để thuê nhà với mức 5 triệu đồng/tháng, nhưng khi hỏi về khả năng họ có thể mua nhà mà không cần vay lãi ngân hàng không thì hầu như là không có.
Thu nhập bao nhiêu có thể vay mua nhà?
Đưa ra lời khuyên đối với những người dân có nhu cầu vay ngân hàng mua nhà, ông Nam cho rằng, theo điều tra xã hội học tại TP Hà Nội và TP.HCM, thu nhập bình quân các hộ gia đình trong năm ở mức trung là 180 triệu đồng/năm, tương đương 15 triệu đồng/tháng. Nếu tính theo thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân tối đa 9 triệu đồng, thì gia đình 2 người đi làm là 15-18 triệu đồng đồng/tháng. Trên thế giới, họ dành ra 30% để lo nhà ở, 18 triệu đồng là dành ra khoảng 6 triệu đồng để chi phí trả gốc và lãi hàng tháng là có thể được.
Ông Nguyễn Trần Nam đưa ra ví dụ và tính toán, vay để mua một ngôi nhà 50m2, giá bán sắp tới tối đa là 12 triệu đồng/m2, tổng giá trị là 600 triệu đồng. Người mua phải ứng trước 20% tương đương 120 triệu đồng và vay 480 triệu đồng. Với lãi suất 6%/năm thì một năm sẽ phải trả gần 29 triệu đồng tiền lãi, tương đương mỗi tháng phải trả 2,4 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng.
Trong khi đó gốc trả dần thì lãi xuống dần, gốc vay 480 triệu đồng trong 10 năm mỗi năm phải trả 48 triệu đồng tương đương mỗi tháng 4 triệu đồng. Như vậy, tổng tiền lãi và tiền gốc phải trả mỗi tháng là 6,4 triệu đồng. Với các hộ gia đình 2 vợ chồng, thu nhập ở mức không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoàn toàn có thể trả được nợ nếu vay mua nhà.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã chính thức công bố kế hoạch triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ với gói tín dụng lên tới 10.000 tỷ đồng. Đây là ngân hàng đầu tiên đưa ra kế hoạch triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay để mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.
Về thời hạn vay, ông Nam cho biết, tối đa 10 năm để phục vụ theo nhu cầu của người vay, có thể người vay chỉ muốn vay 5 năm thôi. “Tại vì vay dài có lợi là nguồn lực hạn chế thì có thể vay dài. Nhưng vay dài thì có lãi suất ngân hàng, vay 5 năm thì đỡ phải trả lãi dài. Còn thời gian bao nhiêu năm từ 1 năm hay 10 năm là thỏa thuận của hai bên. Nếu anh có thể trả được 5 năm thì tội gì anh vay trong 10 năm. Thế nên quy định vậy để cho người nghèo, khả năng trả nợ hạn chế thì ngân hàng sẽ cho vay 10 năm. Năng lực tài chính có thể trả sớm hơn thì lợi hơn”, ông Nam phân tích.
Thứ trưởng Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang tính toán đưa mức giá nhà thu nhập thấp tối đa xuống dưới 12 triệu. Ngày 28/5 tới, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) sẽ khởi công hàng nghìn căn nhà ở xã hội tại khu Linh Đàm, sau đó còn nhiều dự án tiếp tục được khởi công. Giá bán dưới 12 triệu đồng/m2 thậm chí dưới 10 triệu đồng/m2.
Theo Sở xây dựng Hà Nội, Hà Nội đang triển khai 14 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, với tổng diện tích đất là 12,9 ha, tổng diện tích sàn xây dựng 1,24 triệu m2 với 15.412 căn hộ.
Duy Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét