Theo đó, tại hội nghị có nhiều ý kiến đồng tình với các đề xuất rất mới như cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không can thiệp hôn nhân đồng giới, nên có chứng nhận sức khỏe trước khi kết hôn…
Mang thai hộ: cấm là không nhân văn
Nhiều đại biểu dự hội nghị đã đồng tình với điều khoản nên quy định trong luật việc cho phép mang thai hộ. Ông Tưởng Duy Lượng (phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao) đặt ra nhiều câu hỏi: “Chúng ta nên ủng hộ và cho phép mang thai hộ vì lý do nhân đạo. Người ta đã có thiệt thòi mà mình không tạo điều kiện thì sẽ không nhân văn. Trên thực tế dù luật cấm nhưng có nhiều người đã thuê người mang thai.
Dưới góc độ hôn nhân gia đình, cần có quy định để xác định khi có tranh chấp như đứa trẻ là con của ai, nghĩa vụ nuôi dưỡng cấp dưỡng như thế nào? Giao đứa trẻ cho ai khi có tranh chấp giữa người mang thai và người nhờ mang thai hộ? Mang thai hộ vì lý do nhân đạo thì hình thức pháp lý như thế nào, phải được quy định rõ. Những rủi ro khi người mang thai hộ gặp phải sẽ xử lý như thế nào? Đồng thời, việc mang thai thuê có tính chất thương mại thì nên đề cập chế tài xử lý trong Bộ luật hình sự...”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Hữu Thể (phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đề xuất: “Mang thai hộ đúng nghĩa là dành cho người không may mắn, vì thế nó mang tính nhân văn nhiều hơn. Chúng tôi đề nghị luật pháp điều chỉnh vấn đề này. Cần quy định cụ thể trường hợp cho phép mang thai hộ, cần quy định chặt chẽ các điều kiện mang thai hộ… Xác định cụ thể các vấn đề trên thì sẽ đảm bảo được tính nhân đạo và cao cả của mang thai hộ”.
Có hay không công nhận hôn nhân đồng tính cũng là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm. Các góp ý trước hội nghị cho thấy đa số ý kiến thống nhất không cấm hôn nhân đồng tính trong luật, nhưng trong tình hình hiện nay cũng chưa nên công nhận hôn nhân đồng tính ở VN.
Theo đó, hiện mới có khoảng 10 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính, còn lại là không can thiệp vào đời sống của họ. Đây cũng là xu hướng mà dự thảo luật đề cập để sửa đổi, thay cho việc cấm hôn nhân đồng tính như hiện hành.
Nên quy định chế độ cấp dưỡng
Đó là đề xuất của ông Dương Văn An, bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Xuất phát từ thực tiễn nhiều con cái ngược đãi cha mẹ, ông An đề xuất: “Điều 36 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng của cha mẹ với con cái và ngược lại, tuy nhiên quy định này chưa toàn diện và chưa bao quát các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Chúng ta thường nghe đến chuyện những người cha người mẹ già cả không nơi nương tựa, có con cháu dâu rể nhưng phải sống đơn thân trong điều kiện hết sức khó khăn hoặc phải vào các trung tâm dưỡng lão.
Đáng buồn hơn, có nhiều người con vô đức đánh đập bỏ đói mẹ già mà báo chí nêu ở một số địa phương mà tôi không tiện nhắc lại. Cách đây mấy hôm, có người đến gặp xin tôi căn nhà tình thương cho cụ già 70 tuổi, cụ có đứa con trai duy nhất nhưng đi công tác xa mà khóa cửa không cho mẹ vào nhà, hiện cụ phải ở trong một túp lều mà UBND xã cấp. Nhưng cũng có trường hợp cha mẹ sinh con mà không chịu nuôi dưỡng để con thiếu ăn, thất học, bơ vơ, lang thang đường phố bị mua bán, bị lạm dụng, có trường hợp cha mẹ đánh đập bạo hành con cái dã man, cha hiếp dâm cả con gái của mình...”.
Từ đó, ông An đề xuất Luật hôn nhân và gia đình nên sửa đổi bổ sung quyền và nghĩa vụ con cháu phải chăm sóc nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ khi về già. Ông bà, cha mẹ được quyền sống cùng con cháu trong gia đình. Đồng thời luật phải quy định việc cha mẹ có trách nhiệm phải nuôi con đến khi trưởng thành.
“Cần đưa vào luật các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm khi không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo luật định. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm của Nhà nước và cơ quan chức năng trong việc đảm bảo thực hiện quyền của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân gia đình” - ông An kiến nghị.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng dự kiến sẽ đưa những vấn đề như quy định cấp dưỡng từ giai đoạn ly thân, có quy định rõ về mức cấp dưỡng cho con cái trong trường hợp vợ chồng ly hôn. Đại biểu tỉnh Bắc Ninh cho biết mức cấp dưỡng này nên quy định theo thu nhập thực tế và theo vùng miền, không nên quy định cứng do chi phí chăm lo cho trẻ ở thành phố khác nông thôn, thu nhập của người sống ở Hà Nội, TP.HCM cũng khác so với các địa phương.
TÂM LỤA - LAN ANH
Bên lề hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Dương Đăng Huệ - vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), thành viên Ban soạn thảo, tổ trưởng tổ biên tập dự án luật - xoay quanh vấn đề hôn nhân đồng giới. Ông Huệ cho biết:
- Hôn nhân đồng giới là vấn đề tế nhị và hết sức nhạy cảm, được ban soạn thảo, tổ biên tập và mọi người rất quan tâm. Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước VN vẫn khẳng định về mặt pháp luật là cấm kết hôn đồng giới, nhưng qua 13 năm thực hiện, chúng ta thấy từ “cấm” khắc nghiệt quá, nặng nề quá.
Lần này chúng ta phải tìm một cơ chế khác, và Luật hôn nhân và gia đình phải xử lý. Cấm hay không cấm, thừa nhận hay không thừa nhận thì phải nghiên cứu kinh nghiệm ở nhiều nước. Làm thế nào để xử lý việc này trên cơ sở nhân đạo, đảm bảo quyền con người. Đã có nhiều phương án đưa ra, quyết định cuối cùng là thẩm quyền của Quốc hội. Tinh thần là sẽ ứng xử một cách nhân đạo để người đồng tính có một cuộc sống hạnh phúc hơn.
* Bộ Y tế đã có đề xuất nên thừa nhận kết hôn đồng giới vì đây chính là quyền con người, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Về mặt văn bản chính thức thì chỉ có duy nhất Bộ Y tế có kiến nghị nên ủng hộ hôn nhân đồng giới. Tôi cho rằng đó là ý kiến rất hay, xuất phát từ chức năng của Bộ Y tế. Khoa học đã chứng minh đồng tính không phải là bệnh nên không chữa được, mà do tạo hóa sinh ra, người nào không may thì phải chịu. Chính vì vậy, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp và rất mới. Trên thế giới chỉ có 10 nước và vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng giới. Ở nước ta Luật hôn nhân và gia đình cấm hôn nhân đồng giới nhưng trên thực tế Nhà nước vẫn thừa nhận sự chung sống của họ, về cơ bản là tôn trọng quyền chung sống của họ. Trừ một số ít trường hợp một số cặp đồng giới làm đám cưới nhưng bị chính quyền xử phạt hành chính. Để kiến nghị hôn nhân đồng giới được chấp nhận thì còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn.Tôi lưu ý về mặt tâm lý và về mặt pháp lý ở VN thì trong điều kiện hiện nay vẫn khó chấp nhận. Thừa nhận hôn nhân đồng giới là vấn đề rất tiến bộ nhưng cũng rất khó.
* Mặc dù pháp luật VN cấm nhưng trên thực tế có nhiều cặp đồng giới sống với nhau và đã nảy sinh nhiều vấn đề như tài sản chung, con nuôi chung… Bộ Tư pháp có đề xuất nào để sửa đổi luật hoặc khắc phục những vấn đề nảy sinh này?
- Mặc dù chúng ta không thừa nhận hôn nhân đồng giới nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ rơi họ, bởi vì cuộc sống vẫn tiếp tục, Nhà nước không thừa nhận nhưng họ vẫn sống chung và có mối quan hệ với nhau về mặt tài sản, nhân thân...
Một mặt, chúng ta không cấm, không thừa nhận nhưng chúng ta sẽ có những quy định đầy đủ để người đồng tính có đủ cơ sở pháp lý để có một cuộc sống chung trọn vẹn. Thừa nhận hay không thừa nhận thì cũng phải quy định việc giải quyết hậu quả. Trách nhiệm của Nhà nước là đưa ra những quy chế pháp lý để giúp giải quyết hậu quả phát sinh từ việc sống chung của các cặp đồng tính. Chúng tôi đang nghiên cứu về vấn đề này và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.
TÂM LỤA thực hiện
0 nhận xét:
Đăng nhận xét