Sở Công Thương Hà Nội vừa đề xuất Đề án Sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này, song cũng không ít chuyên gia lo ngại “quay lại” với xe đạp chỉ khiến Hà Nội thêm tắc đường.
TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi sử dụng xe đạp vì môi trường. Nhưng sẽ là viển vông nếu cho rằng sử dụng xe đạp để giảm tắc đường. Bởi ngay từ thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra tắc đường vì xe đạp. Dân số thành phố lúc đó chỉ hơn 2 triệu người.
"Thử tưởng tượng, bây giờ tất cả người đi đường bỗng chuyển sang xe đạp thì điều gì sẽ xảy ra?", ông Long đặt câu hỏi.
"Thử tưởng tượng, bây giờ tất cả người đi đường bỗng chuyển sang xe đạp thì điều gì sẽ xảy ra?" - TS. Nguyễn Ngọc Long
Theo ông Long, nếu lượng người đi xe đạp tăng lên, Hà Nội sẽ phải tính lại bài toán giao thông. Bởi để xe đạp “trộn lẫn lung tung” với xe máy, ô tô trên đường, tai nạn giao thông tăng lên là điều chắc chắn.Ông Long cho rằng, những nước phát triển kêu gọi sử dụng xe đạp chỉ vì mục đích bảo vệ môi trường và họ có làn đường riêng cho xe đạp. “Chẳng hạn ở Nhật Bản, xe đạp đi trên vỉa hè. Còn ở Hà Nội, vỉa hè cho người đi bộ còn không có nói gì đến làm đường riêng cho xe đạp”.
Hiện một số tuyến đường và cầu ở Hà Nội có làn dành cho xe hai bánh. Tuy nhiên, số lượng xe đạp rất ít nên không rõ các làn này dành cho xe đạp hay xe máy. Nếu số lượng xe đạp tăng lên, cơ quan quản lý buộc phải tính đến biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Không thể để hai ba loại xe cùng đi trên một làn đường nữa.
"Ngay thời điểm này, Hà Nội cũng đang đau đầu với bài toàn tách riêng được xe 4 bánh với xe 2 bánh. Nói gì đến tách riêng làn xe đạp và xe máy" - TS. Nguyễn Ngọc Long nhận xét.
Nếu đi xe đạp lẫn với xe máy, ô tô, tai nạn giao thông tăng lên là điều dễ hiểu
TS. Nguyễn Lân - Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cũng cho rằng, khuyến khích đi xe đạp nhằm mục đích bảo vệ môi trường hợp lý hơn mục đích giảm ùn tắc giao thông.Nhiều nước kêu gọi đi xe đạp là vì đã có hệ thống giao thông công cộng rất tốt. Nhưng cũng chỉ đáp ứng được một số lượng rất ít xe đạp và phải có làn đường riêng cho loại phương tiện này.
Ông Lân khẳng định Hà Nội không thể cải tạo, mở rộng đường sá để phân làn riêng cho xe đạp. “Để nhiều xe đạp đi chung với xe máy, ô tô trên đường càng khiến khó lưu thông và rất nguy hiểm”.
Theo ông Lân, phát triển giao thông công cộng vẫn là giải pháp tốt nhất để giảm ùn tắc. Còn nếu muốn vận động người dân đi xe đạp, ngành giao thông nên nghiên cứu giải pháp và lộ trình cụ thể.
"Nếu đảm bảo trật tự, xe đạp chống ùn tắc còn tốt hơn xe máy." - Ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia)
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, vẫn nên khuyến khích đi xe đạp, đặc biệt là đối với những người thường đi lại trên quãng đường ngắn. Đề xuất của Sở Công Thương vẫn cần được xem xét sao cho phù hợp điều kiện giao thông Hà Nội.Ông Thái phân tích: Xe đạp lưu thông chậm hơn xe máy. Với đường sá Hà Nội hiện nay, tốc độ di chuyển xe đạp cũng tương đương xe máy. Xe đạp chiếm dụng không gian giao thông còn ít hơn xe máy.
"Điều quan trọng là ý thức chấp hành luật giao thông. Nếu chấp hành tốt, sử dụng xe đạp sẽ giảm ùn tắc hơn so với đi xe máy", ông Thái nhận định.
Đề án của Sở Công Thương Hà Nội nhằm đưa ra các giải pháp, khuyến khích người dân Hà Nội sử dụng xe đạp, giảm lưu lượng ô tô xe máy tham gia giao thông, hạn chế ùn tắc.. Theo cơ quan này, sử dụng xe đạp là hành động bảo vệ môi trường đô thị khi Hà Nội ngày càng ô nhiễm vì khói bụi, xăng xe. Đây cũng là giải pháp tiết kiệm nhiên liệu khi xăng dầu đang trở nên khan hiếm. Đồng thời, đi xe đạp giúp tăng cường vận động, bảo đảm sức khỏe của mỗi cá nhân. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét