(Đây là 1 chặng đường rất dài, có thể dài đến 18-20 năm nên những gì tôi chia sẻ ở đây chỉ là xuất phát điểm & kinh nghiệm của tôi cho đến thời điểm này)
Mặc dù chồng tôi không biết nói tiếng Việt (V), ngay từ khi chưa có con, chúng tôi đã mong con chúng tôi sau này sẽ nói được tiếng V. Khi chuẩn bị có con, tôi đã đọc rất nhiều kết quả nghiên cứu và tham khảo mọi người xung quanh (môi trường làm việc của tôi có tính quốc tế rất cao, 80% đồng nghiệp của tôi không phải là người Hà Lan (HL)), tôi lại càng chắc chắn là tôi sẽ làm tất cả để dạy con tôi nói tiếng V. Mục tiêu của tôi chỉ dừng lại ở mức nghe nói thôi, chứ tôi không yêu cầu đọc viết.
Lợi ích của việc nuôi con bằng 2 (hay thậm chí 3, tối đa là 6) ngôn ngữ thì chắc là tôi không cần phải liệt kê ra. Có điều, tôi chủ tâm chọn tiếng V chứ không phải tiếng Anh (A). Mặc dù nếu dùng tiếng A thì sẽ dễ dàng hơn:
- Cả 2 vợ chồng đều giao tiếp được bằng tiếng A (môi trường làm việc của tôi, như đã nói, tính quốc tế cao, nên tôi sử dụng tiếng Anh hằng ngày. Còn chồng tôi, như mọi người HL khác, nói tiếng A khá tốt và thậm chí, hơn nhiều người HL khác, chồng tôi không nói tiếng Anh bằng giọng HL)
- Sách truyện, đồ chơi, phim ảnh tiếng A thì dễ tìm vô cùng
- Điều kiện thực hành nhiều
- Tính ứng dụng cao (cái này hiển nhiên).
Nhưng tôi vẫn chọn tiếng V vì:
- Tiếng A không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi, tôi phát âm không chuẩn, tôi không nói hay dùng từ như người bản xứ nên mặc dù câu tôi nói đúng ngữ pháp, rõ nghĩa, mọi người vẫn nhận ra là tôi chưa từng sống ở nơi nào nói tiếng A. Tôi không muốn con tôi sau này nói tiếng Anh có lỗi như tôi (mặc dù giao tiếp thông thường và làm việc chuyên môn thì chẳng có vấn đề gì)
- Sau này trong trường thế nào các cháu cũng được học tiếng A
- Quan trọng nhất là tôi muốn khi các cháu về VN, các cháu có thể nghe hiểu mọi người (nhất là ông bà ngoại) nói gì & có thể giao tiếp thông thường. Đó là 1 trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo mối dây liên hệ giữa các cháu và VN. Nếu sau này các cháu muốn tìm hiểu thêm về quê mẹ thì ít ra cái cơ bản nhất là ngôn ngữ, các cháu đã có căn bản.
Khó khăn:
- Mẹ là người duy nhất nói tiếng V
- Tiếng V và tiếng HL khác hẳn nhau.
Tôi đã (đang và sẽ) làm như thế nào:
- Tôi LUÔN LUÔN nói chuyện với con bằng tiếng V. Ngay cả khi cháu nói với tôi bằng tiếng HL
- Trong cuộc nói chuyện có người khác, ví dụ như ba cháu, hay ông bà nội, tôi nói với cháu bằng tiếng HL trước, sau đó nói lại 1 lần nữa bằng tiếng V
- Bên cạnh đó, ba cháu hay khuyến khích cháu nói tiếng V bằng cách nhờ cháu dịch lại những gì mẹ nói hay hỏi cháu cách nói câu này câu kia bằng tiếng V thế nào. Cháu rất thích cái viễn cảnh là “sau này về VN, con sẽ làm phiên dịch cho ba nhé” – bằng cách này chúng tôi tạo cho cháu niềm vui & giúp cháu có động lực nói tiếng V
Kết quả trước mắt:
- NL có thể hiểu hầu hết những gì tôi nói. Cách đây khoảng 1 năm cháu hiểu toàn bộ những gì tôi nói không cần tôi phải giải thích gì cả. Nhưng hiện giờ thỉnh thoảng cháu phải hỏi “mẹ nói gì?” hay hỏi tôi từ đó nghĩa là gì. Lý do: những cuộc nói chuyện của chúng tôi càng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Ngay cả trong tiếng HL, cháu thỉnh thoảng vẫn phải hỏi “từ đó nghĩa là gì” chứ không riêng gì tiếng V
- Gọi điện về VN cháu có thể hỏi thăm ông bà “bà/ông ngoại có khỏe không?” hay “P (em họ cháu) đang làm gì đó?”. Có thể trả lời câu hỏi đơn giản của ông bà.
- Càng ngày càng chịu khó nói tiếng V với mẹ hơn, mặc dù biết là mẹ hiểu tiếng HL nhưng vì “mẹ thích NL nói tiếng V với mẹ hơn” nên con chịu khó hơn.
- Khi ở nhà 3 mẹ con với nhau, NL cũng nói tiếng V với em AN
- Thậm chí NL còn dạy ông bà nội một số từ tiếng V thông dụng, trong đó có từ “nước cam” – từ này đã thay thế từ “sinaasappelsap” trong gia đình ông bà nội :D
- Tiếng HL của NL hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì, thậm chí cháu còn được cô ở trường khen là nói tốt. Tiếng V thì hơi lơ lớ (theo kiểu người nước ngoài nói tiếng V) vì cháu nói dấu không rõ như tôi nói nhưng mọi người nghe vẫn hiểu được dễ dàng.
Tôi luôn nhận được sự khen ngợi & khuyến khích từ mọi người khi biết tôi quyết tâm dạy cháu nói tiếng Việt nên tôi lại càng cảm thấy có động lực hơn. Ngoài ra, cảm xúc nghe con gọi “mẹ ơi” khác hẳn khi con gọi “mama” :D
0 nhận xét:
Đăng nhận xét