Hồng Nhung - nạn nhân của một vụ cướp giật tại Hà Nội - chỉ bị khâu vài mũi trên đầu bỗng dưng trở thành người đã mất, sau khi các diễn đàn mạng liên tục đưa tin sai sự thật.
Mới đây, loạt ảnh về cô gái nằm sấp mặt dưới đường, chảy rất nhiều máu cùng dòng trạng thái: "Giải Phóng này. Bị giật túi ngã chết luôn" ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng mạng.
Vụ việc xảy ra trên đường Giải Phóng, Hà Nội này sau vài giờ đăng tải thu hút hàng chục nghìn like (thích) và chia sẻ.
Trở thành người chết... nhờ mạng xã hội
Trước thông tin trên, nhiều người cảm thấy hoảng hốt, lo sợ về nạn cướp giật. Họ cũng bày tỏ sự thương xót cho thiếu nữ và cầu mong cô được siêu thoát.
Thành viên Hòa Nguyễn bình luận: "Các chị em cứ đeo túi xách bất cẩn rồi cũng có ngày. Đám cướp giật có bao giờ nể nang gì đâu. Còn trẻ thế mà, khổ thân quá!".
Trang Thảo cho hay: "Khổ thân chị. Ngày trước mình cũng bị hai người ăn mặc đàng hoàng giật túi nhưng may mắn hơn chị là người không sao. Nhiều trường hợp chết oan như vậy đấy, nên mọi người cẩn thận là trên hết".
Thông tin cô gái bị giật túi xách đã chết dù không chính xác vẫn được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình. |
Không ít dân mạng cho rằng, đây là bài học đối với các chị em có thói quen khoác túi bên người khi đi xe máy.
"Phái đẹp đêm hôm ra đường chớ có đeo cái túi vắt vẻo, rồi vừa đi vừa bấm điện thoại. Của mất còn làm lại được, chứ người mất rồi thì chỉ khổ người ở lại", nickname Hùng Lee bày tỏ.
Linh Thuy Nguyen chia sẻ từng gặp phải trường hợp tương tự: "Mình đi làm buổi sáng, đeo túi chéo người cũng bị giật ở đường. Lần đó, mình bị mất túi và điện thoại nhưng còn may, người chỉ xây xát thôi. Nghĩ lại vẫn sợ, thương bạn này quá".
Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, cô gái có tên Hồng Nhung (sinh năm 1992, quê Nam Định) - nạn nhân trong vụ cướp giật này - đã phải lên trang cá nhân đính chính. Nhung cho biết, cô vẫn còn sống, đồng thời đưa ra lời cảnh tỉnh với các bạn đeo túi giống mình.
"Cảnh báo các bạn nữ đi xe máy không nên đeo túi xách nha, có gì để hết trong cốp xe. Hôm nay, mình đeo chéo nên bọn cướp không giật được ví tiền nhưng chạy thoát rồi. Nhân vật hôm nay ở Giải Phóng là em đây. Ơn giời, em chưa chết, chỉ khâu gần chục mũi ở đầu thôi", Hồng Nhung viết.
Ngay sau đó, những diễn đàn đăng bài giật gân, không chính xác cũng đưa lại thông tin, cho hay nạn nhân nữ vẫn còn sống.
Nạn nhân đính chính vẫn sống trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình. |
Tác hại khôn lường khi đưa tin thất thiệt
Câu chuyện trên vừa là lời cảnh tỉnh với các bạn gái có thói quen đeo túi bên người khi đi xe máy vừa là minh chứng cho tác hại của việc đưa thông tin chưa kiểm chứng lên mạng xã hội.
Chia sẻ với Zing.vn, Lệ Quyên - bạn của nạn nhân - khẳng định, thông tin một số diễn đàn cho biết, cô gái trong vụ cướp giật đã tử vong không chính xác.
“Khi vụ việc xảy ra, mình cũng có mặt ở đó. Lúc ấy, Nhung bị bọn cướp kéo lê một đoạn, mặt đập xuống đường, chảy rất nhiều máu và bị co giật. Rất may là bạn ý không sao, chỉ phải khâu vài mũi trên đầu. Đây cũng là bài học lớn cho chúng mình và những chị em khác”, Quyên nói.
Hồng Nhung - nhân vật chính trong các bức ảnh - cho biết, cô khá bất ngờ khi thấy trên mạng chia sẻ thông tin mình đã tử vong, dù cô chỉ bị thương không quá nghiêm trọng ở đầu.
“Lúc đó, mình nằm sấp nên mọi người không thấy mặt. Những ai quen mình chắc sẽ cảm thấy rất sốc trước tin dữ này. Mình hy vọng, dân mạng trước khi đăng tải điều gì hãy xem xét và để ý kỹ hơn, tránh gây ảnh hưởng tới người khác”, cô gái sinh năm 1992 nói.
Thực tế, có không ít trường hợp thông tin thất thiệt được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.
Vài ngày trước, hai nữ sinh 14 tuổi có tên L.K.P. và A.H., học sinh trường THCS Mai Động (Hà Nội) gây chú ý giả danh một người mẹ kêu gọi giúp đỡ, tìm con gái trốn sang Trung Quốc. Sau vài giờ đăng tải, đã có gần 8.000 người lan tỏa chia sẻ này.
Cặp nữ sinh tự bịa chuyện mình trốn sang Trung Quốc khiến dân mạng bất bình. Ảnh chụp màn hình. |
Tuy nhiên, một trong hai nữ sinh đã liên lạc với diễn đàn xin gỡ bỏ thông tin vì "không phải đi Trung Quốc, chỉ là giả vờ thôi". Hành động trên nhanh chóng khiến dân mạng bất bình và đưa ra không ít chỉ trích gay gắt.
“Tôi thật không hiểu một số bạn trẻ bây giờ nghĩ cái gì nữa? Đưa thông tin sai sự thật chỉ vì muốn những 'chiếc like dạo'. Các bạn còn quá nhỏ để nhận thức được đầy đủ hậu quả của hành động này”, thành viên La Tiếnbình luận.
"Giờ mới biết sức mạnh của like và bình luận có thể cứu được mạng người. Đúng là nhiều người luôn đi tìm kiếm sự quan tâm từ những nút like như vậy mà không suy nghĩ", Lương Hiển chia sẻ.
Giữa tháng 4 vừa qua, một nhóm học sinh tại THPT thuộc địa bàn Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đưa hình ảnh một chàng trai bị ung thư, cạo trọc đầu và kêu gọi giúp đỡ. Song sau đó, sự việc được phát hiện chỉ là trò đùa giữa các bạn trẻ trong lớp với nhau, khiến dân mạng lên án mạnh mẽ.
Những câu chuyện nói trên là hồi chuông cảnh báo cho giới trẻ về việc sử dụng Internet. Với thời đại công nghệ phát triển, mạng xã hội giống như “con dao hai lưỡi”, nếu người dùng không biết chọn lọc và kiểm soát thông tin.
Dân mạng cần bấm like và share một cách có ý thức để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của những người trong cuộc. Bởi đã có không ít người trở thành nạn nhân của hành động này.
Chia sẻ quan điểm về việc này, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em - cho biết, đây là những ví dụ phản ánh lối sống ảo của một bộ phận giới trẻ.
Chỉ là trò đùa nhưng vô tình, các bạn đã tạo nhiều hệ quả trong cộng đồng mạng như khiến người khác mất thời gian lan truyền và chia sẻ. Việc này cũng có thể tạo kẽ hở cho những kẻ hám lợi, nhân cơ hội sử dụng thông tin sai sự thật để lợi dụng lòng tốt của người khác.
“Nếu biết cách, bạn sẽ chắt lọc thông tin hữu ích cho việc học tập, giao lưu bạn bè. Ngược lại, khi dùng tùy tiện, đôi khi hậu quả để lại rất lớn”, thạc sĩ Lan Anh cảnh báo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét