Bảo hiểm được coi là dịch vụ tài chính, là một hoạt động dịch vụ của ngân hàng thương mại (NHTM), khi NHTM làm đại lý bảo hiểm, thành lập công ty liên doanh bảo hiểm, hay thành lập công ty con kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm trực thuộc.
NHTM cũng có thể tham gia kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm thông qua hình thức đầu tư vốn mua cổ phần, trở thành cổ đông chính trong các công ty bảo hiểm.
Bảo hiểm cũng là đối tác cạnh tranh của NHTM, bởi vì lĩnh vực kinh doanh này thu hút một lượng vốn nhàn rỗi khá lớn của dân cư. Các công ty kinh doanh bảo hiểm là đối tác kinh doanh của NHTM, khi tổ chức này đầu tư vốn vào NHTM dưới các hình thức tiền gửi, mua trái phiếu, tín phiếu hay uỷ thác đầu tư.
Hoạt động bảo hiểm có mối quan hệ mật thiết với hoạt động của NHTM, bởi vì nó làm cho hoạt động của NHTM trở nên an toàn hơn, dù trong lĩnh vực cho vay vốn, đầu tư vốn, hay thẻ tín dụng, thuê mua,…
Nói tóm lại, bảo hiểm là một loại hình dịch vụ tài chính trong nền kinh tế, có thể là một nghiệp vụ của NHTM, nhưng phổ biến là các công ty, tổng công ty, tập đoàn kinh doanh bảo hiểm riêng. Đối với các công ty bảo hiểm đây là một loại hình kinh doanh rủi ro. Còn đối với các tổ chức và cá nhân mua bảo hiểm thì đó là một công cụ phòng ngừa rủi ro. Bảo hiểm đã có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới.
Về sự hình thành và phát triển ngành kinh doanh bảo hiểm trên thế giới
Hơn 2000 năm trước đây, khi xuất hiện hàng hoá và giao lưu buôn bán hàng hoá giữa các vùng, các nhà buôn ở nhiều nước đã đưa các yếu tố rủi ro vào các bản giao kết thương mại của mình. Lịch sử ra đời của NHTM cũng có những yếu tố tương tự. Tuy nhiên, hiện nay người ta mới tìm được bản hợp đồng bảo hiểm được lập năm 1385 giữa nhà buôn với chủ tàu và người bảo hiểm để bảo hiểm cho một con tàu cùng hàng hoá khi chúng gặp rủi ro từ “hành động của chúa trời, của biển cả, hoả hoạn hay từ những trường hợp phải vứt hàng xuống biển cho nhẹ tàu để tránh bị chìm, mắc cạn, bị tịch thu bởi các ông hoàng của các thành phố hay bởi những người khác hoặc sự trả thù, tai nạn, sự bất hạnh hay bất kỳ trở ngại nào khác”. Những thoả thuận bảo hiểm trong lĩnh vực hàng hải này đã đánh dấu cho sự ra đời của bảo hiểm thương mại và Công ty bảo hiểm đầu tiên của ngành vận tải biển và đường bộ được thành lập năm 1424 tại Geneves – Thụy Sỹ.
Nền kinh tế hàng hoá ngày càng phát triển, càng thúc đẩy việc giao lưu thương mại, nó đòi hỏi ngành bảo hiểm thương mại phải phát triển theo để đáp ứng nhu cầu giảm thiểu những rủi ro cho những nhà kinh doanh. ở một số nơi như phòng trà Lloyd – London đã trở thành trung tâm hoạt động kinh doanh bảo hiểm hàng hải vào cuối thế kỷ 17. Tiếp theo bảo hiểm hàng hải là bảo hiểm hoả hoạn. Loại hình bảo hiểm này đã được áp dụng tại Hambourg – Đức vào cuối thế kỷ 16. Tại Anh, sau cuộc đại hoả hoạn tại London xảy ra vào năm 1666 thì cho mãi tới năm 1681, các hợp đồng bảo hiểm hoả hoạn đầu tiên mới ra đời.
Khi thượng nghị sỹ Mansfield của nước Anh trở thành Chánh án thượng viện vào giữa thế kỷ 18, thông luật của Anh đã bắt đầu quan tâm đến hợp đồng bảo hiểm. Toà án căn cứ vào các tập quán và thông lệ của các nhà buôn với các nguyên tắc đang tồn taị của thông luật để xét xử các tranh chấp trong bảo hiểm. Như vậy, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đang dần dần được hình thành. Mới đầu, các toà án ở Anh chỉ quan tâm chủ yếu đến lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, nhưng sau đó từ thực tiễn đòi hỏi thì những nguyên tắc pháp lý tương tự như vậy cũng được áp dụng cho bảo hiểm sinh mạng và hoả hoạn và tiếp theo đó cũng được áp dụng cho nhiều loại hình bảo hiểm khác.
Sự phát triển bảo hiểm ở Việt Nam
Ngành bảo hiểm Việt Nam ra đời khá muộn so với các nước khác trên thế giới. Trước năm 1945, trên toàn quốc và trước năm 1975 ở miền Nam, hoạt động bảo hiểm đã xuất hiện nhưng phạm vi hoạt động chủ yếu áp dụng cho người nước ngoài và các tầng lớp giàu có. Ngành bảo hiểm Việt Nam chỉ thực sự hình thành sau Quyết định 179 ngày 17/12/1964 cho phép Công ty bảo hiểm Việt Nam ra đời và chính thức đi vào hoạt động từ 15/1/1965.
Trước năm 1975, theo một số tài liệu ghi chép lại ở miền Nam nước ta đã có khoảng 50 Công ty bảo hiểm nội địa. Điều đó cho thấy thị trường bảo hiểm ở đây đã phát triển ở mức khá sôi động. Các tài liệu ghi chép lại cũng cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm ở giai đoạn đó. Nhiều ngân hàng đã làm đại lý cho công ty bảo hiểm. Nhiều dự án cho vay vốn lớn các ngân hàng đã yêu cầu phải có hợp đồng bảo hiểm đi kèm. Còn ở miền Bắc duy nhất chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, đó là Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam – Bảo Việt. Do cơ chế thời bấy giờ, giữa ngân hàng một cấp và hoạt động của Bảo Việt chưa có mối quan hệ gì đáng kể.
Trong quá trình đổi mới nền kinh tế đất nước, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, cùng với việc ra đời nhiều loại hình bảo hiểm cũng có sự phát triển đa dạng, phong phú tương tự. Song trong thực tế thì thị trường bảo hiểm có sự phát triển muộn hơn so với thị trường dịch vụ ngân hàng, cũng như đổi mới hoạt động ngân hàng, nó được bắt đầu vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.
Vào đầu thời kỳ đổi mới, có thêm Công ty bảo hiểm thành phố Hồ Chí Minh – Bảo Minh, Công ty tái bảo hiểm quốc gia, Công ty cổ phần bảo hiểm xăng dầu – Pjico, Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà Rồng – Bảo Long… Sau đó là sự có mặt của một loạt tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới đến Việt Nam thuộc các quốc gia: Mỹ, Anh, Đức, úc,…, thành lập các liên doanh bảo hiểm Việt – úc, liên doanh bảo hiểm Bảo Minh – CMG, Groupama; hay thành lập các Công ty 100% vốn nước ngoài, như: Manulife, Prudential, Allianz, AIA,… Đồng thời một số Tổng công ty 90 – 91 cũng thành lập các Công ty bảo hiểm trực thuộc mình, như: Bảo hiểm bưu điện, Bảo hiểm dầu khí,… Chính phủ cũng cho ra đời hai tổ chức: Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm y tế. Cách đây không lâu hai tổ chức bảo hiểm này đã sáp nhập làm một, gọi chung là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Tiếp đến là các NHTM có quy mô lớn, cũng đã đa dạng hoá các loại hình dịch vụ của mình, thực hiện liên doanh với các tập đoàn trong và ngoài nước thành lập các công ty liên doanh bảo hiểm hay liên kết thực hiện các dịch vụ bảo hiểm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thành lập một liên doanh bảo hiểm với một đối tác của úc. Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng thành lập một liên doanh bảo hiểm với đối tác nước ngoài thành lập Công ty bảo hiểm Châu á – Ngân hàng Công thương. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là một cổ đông chính, chiếm tỷ lệ vốn góp khá trong Công ty cổ phần bảo hiểm Pjico. Góp vốn cổ phần trong Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà rồng có một số NHTM, như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần á Châu, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam. Đồng thời một số NHTM đã liên kết với Công ty bảo hiểm Prudential thực hiện một số dịch vụ bảo hiểm cho công ty này. Đầu năm 2004, Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông, 100% vốn tư nhân, hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ, với số vốn góp của 90 cổ đông thể nhân và pháp nhân, tổng số vốn 100 tỷ đồng, đã khai trương hoạt động. Trong số các cổ đông góp vốn lớn nhất chủ yếu là các NHTM; bao gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín góp 11%; tiếp đến là các NHTM cổ phần: Phương Đông, Quân Đội, phát triển nhà Hà Nội. Ngoài ra là một số doanh nghiệp khác. Nhiều NHTM khác cũng đang thực hiện một số loại hình dịch vụ bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm trong và ngoài nước.
Về loại hình bảo hiểm, trước đây chỉ có bảo hiểm phi nhân thọ, sau đó thì ra đời thêm loại hình bảo hiểm nhân thọ và loại hình này có xu hướng phát triển nhanh hơn, chiếm thị phần lớn hơn. Tính đến nay ở nước ta có 5 công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động, là: Bảo Việt, Bảo Minh – CMG, Manulife, Prudential và AIA. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ các năm gần đây như sau: Năm 1996: 0,95 tỷ đồng; năm 1997: 17,5 tỷ đồng; 1998: 203 tỷ đồng; 1999: 492 tỷ đồng; 2000: 1285 tỷ đồng, 2001: 2786 tỷ đồng, năm 2002: 4.615, năm 2003: 6.317, năm 2004 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng,… Tốc độ tăng thu phí đạt trên 117%/năm. Hiện nay cả nước có khoảng gần 5 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tương đương trên 6 % dân số, còn rất khiêm tốn so với tỷ lệ trung bình của các nước trong khu vực là 10 – 12% và Trung Quốc là 22%. Như vậy, chỉ riêng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đã có hơn 4000 tỷ đồng vốn trong dân cư mỗi năm được thu hút vào kênh này và dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây thật sự là một thách thức lớn trong cạnh tranh đối với các NHTM về cạnh tranh thu hút vốn của dân cư.
Về sự phát triển các loại hình bảo hiểm ở nước ta
Ngoài các Nghị định qui định về bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh thì theo Điều 7, Luật kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2001, Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được phép thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm sau:
- Bảo hiểm nhân thọ, bao gồm: Bảo hiểm trọn đời; Bảo hiểm sinh kỳ; Bảo hiểm tử kỳ; Bảo hiểm hỗn hợp; Bảo hiểm trả tiền định kỳ; Các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ khác do Chính phủ qui định.
- Bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm: Bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người; Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại; Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không; Bảo hiểm hàng không; Bảo hiểm xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ; Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu; Bảo hiểm trách nhiệm chung; Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính; Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh; Bảo hiểm nông nghiệp; Các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác do Chính phủ qui định.
Về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm
Những hợp đồng được doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và thực hiện trong quá trình hoạt động của mình là:
- Hợp đồng bảo hiểm gốc: Là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro trên cơ sở thu phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm để nhận trách nhiệm bồi thường hay trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm,
- Hợp đồng tái bảo hiểm: Là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm này với doanh nghiệp bảo hiểm khác hoặc với doanh nghiệp chuyên doanh tái bảo hiểm, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chuyển một phần rủi ro mà họ chịu trách nhiệm cho bên nhận tái bảo hiểm tương ứng với tổng số phí tái bảo hiểm, còn bên nhận tái bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm trong phạm vi trách nhiệm tương ứng với số phí tái bảo hiểm đã nhận khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
- Hợp đồng đại lý bảo hiểm: Là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên đại lý, theo đó bên đại lý theo sự uỷ quyền và nhân danh doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện một số công việc mà doanh nghiệp bảo hiểm giao, còn doanh nghiệp phải trả một khoản tiền tương ứng với công việc giao cho bên đại lý.
- Hợp đồng môi giới bảo hiểm: Là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên môi giới bảo hiểm, theo đó bên môi giới thực hiện một số công việc để nhằm thiết lập mối quan hệ bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm, còn doanh nghiệp bảo hiểm phải trả một khoản tiền tương ứng với công việc mà bên môi giới thực hiện. Trên thực tế, bên môi giới có thể vừa nhận được khoản tiền từ bên doanh nghiệp bảo hiểm, vừa được cả bên tham gia bảo hiểm trả tiền.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm qui định: “Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho ngươì thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Qui định này nói lên xu hướng loại trừ hoạt động trung gian bảo hiểm ra khỏi hoạt động kinh doanh bảo hiểm và như vậy, hợp đồng trung gian bảo hiểm không thể là một dạng của hợp đồng kinh doanh bảo hiểm.
Như vậy, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi là hợp đồng bảo hiểm) về bản chất là sự thoả thuận giữa hai bên nhằm ràng buộc nhau về mặt pháp lý. Một bên đưa ra đề nghị và bên kia chấp nhận theo cùng các điều khoản. Như vậy, một bên thanh toán (hoặc cam kết thanh toán) phí bảo hiểm, còn bên kia cam kết bồi thường trong những trường hợp thoả thuận (khi sự kiện bảo hiểm được thoả thuận xảy ra trong thời gian hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm). Nội dung này đã được thể hiện tại nhận định gồm 3 điểm của thẩm phán Chanell trong vụ Prudential Insurance Co kiện Inland Revenue Commision (1904) 2KB658:
Một là: Đây phải là một hợp đồng, theo đó, bằng việc đưa ra một bảo đảm nào đó (thông thường là các khoản tiền trả theo định kỳ được gọi là phí bảo hiểm), người được bảo hiểm bảo đảm cho mình được hưởng một lợi ích nào đó (thông thường nhưng không nhất thiết, là việc được trả một món tiền) khi xảy ra một sự kiện nào đó.
Hai là: Sự kiện nói trên phải chứa đựng yếu tố không chắc chắn, theo nghĩa là chưa biết chắc chắn liệu nó sẽ có xảy ra hay không, hoặc, nếu sự kiện đó phải xảy ra vào một thời điểm nào đó chưa biết chắc chắn khi nào nó sẽ xảy ra.
Ba là: Sự kiện nói trên phải có tính chất ít nhiều gây hại cho các lợi ích của người được bảo hiểm. ở đây, thẩm phán Chanell đề cập đến một yêu cầu là người được bảo hiểm phải có lợi ích có thể bảo hiểm được (một lợi ích hợp pháp hay hợp tình, hợp lý) trong đối tượng bảo hiểm vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Nhận định nói trên về hợp đồng bảo hiểm của thẩm phán Chanell không thể bao quát được mọi hợp đồng bảo hiểm trong mọi tình huống nhưng nó chứa đựng những đặc tính quan trọng nhất định – tính đặc thù – của một hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm được xác lập và thực hiện căn cứ trên những nguyên tắc chung của pháp luật về hợp đồng, đồng thời nó cũng là một dạng hợp đồng chuyên biệt ngang hàng với các hợp đồng chuyên biệt khác như hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng,… Và nó được phân biệt với các hợp đồng này bằng những đặc điểm riêng của hợp đồng bảo hiểm.
Một số vấn đề đặt ra đối với các NHTM
- Theo cam kết của Hiệp định thương mại Việt – Mỹ và cam kết gia nhập WTO về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, tới đây sẽ có thêm các tập đoàn bảo hiểm lớn của thế giới đến Việt Nam, mức độ cạnh tranh thị trường bảo hiểm lớn lên, cạnh tranh huy động tiền nhàn rỗi trong dân cư lớn hơn, làm cho việc huy động vốn từ dân cư của NHTM trở nên khó khăn hơn. Song nó cũng tạo tiền đề cho các NHTM đầu tư vốn an toàn hơn. Đây là một thực tế các NHTM cần chủ động nắm bắt.
- Kinh doanh bảo hiểm là một chiến lược đa dạng hoá hoạt động của NHTM, phát triển dịch vụ ngân hàng. Bởi vậy, nếu không có điều kiện thành lập công ty con độc lập, thì các NHTM nên phát triển nghiệp vụ này theo hướng mở rộng việc nhận làm đại lý bảo hiểm, tham gia vốn cổ phần trong các công ty bảo hiểm, góp vốn thành lập công ty liên doanh bảo hiểm.
- Có chiến lược chủ động tiếp cận với các công ty bảo hiểm để thu hút vốn của họ cho việc mở rộng cho vay.
- Có lộ trình thích hợp yêu cầu các dự án đầu tư vốn, dự án vay vốn tới mức bao nhiêu bắt buộc phải có hợp đồng bảo hiểm, phải tham gia bảo hiểm.
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên, trước mắt là cán bộ tín dụng, cán bộ quản lý tín dụng, cán bộ thẩm định, cán bộ làm dịch vụ ngân hàng. Nghiệp vụ bảo hiểm cũng cần được đào tạo sâu rộng hơn ngay từ các trường đại học chuyên ngành hay khoa chuyên ngành về ngân hàng tại các trường đại học.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét