Hồi ký là con dao hai lưỡi. Nó có thể là một cách rất hay để công chúng hiểu hơn, yêu hơn người nghệ sĩ. Nhưng nó cũng có thể là kẻ giết chết nghệ sĩ trong im lặng.
Vài năm gần đây, giới nghệ sĩ có "mốt" viết hồi ký. Công chúng có thể biết trọn vẹn cuộc đời, thậm chí cả những góc khuất dữ dội của nghệ sĩ mà chẳng báo nào có thể khai thác được.
Từ tự truyện Lê Vân đến hồi ký nghệ sĩ Kim Cương, nghệ sĩ Thành Lộc, ca sĩ Khánh Ly, diễn viên Thương Tín và mới đây nhất là ca sĩ Ái Vân...
Đó là bức chân dung tự họa chi tiết và đẩy đủ nhất mà chỉ họ mới có thể "vẽ" được và thỏa mãn được phần nào sự tò mò của công chúng.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân, người bạn – người cùng thời với nhiều nghệ sĩ kể trên đã thốt lên rằng: "Chơi với bạn nhưng phải đợi đến khi đọc hồi ký mới biết cuộc đời bạn. Nó ghê quá".
Nhạc sĩ Thế Hiển - một người bạn thân thiết với diễn viên Thương Tín cũng từng nói điều tương tự sau khi đọc hồi ký của tài tử điện ảnh một thời.
Cũng có nhiều người đề nghị nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân viết hồi ký nhưng cô nói "Đời tôi không có hồi ký"!
Nói thế không có nghĩa là cuộc đời nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân bằng phẳng, không có gì đáng viết! Ai cũng có một (thậm chí nhiều) cuốn hồi ký của riêng mình nhưng không phải ai cũng muốn phơi bày những góc khuất, những bí mật đời tư ấy trước mắt mọi người.
Bởi lẽ, hồi ký (hay cuộc đời) là của mình nhưng khi đã thành sách - một mặt hàng kinh doanh, thì người nghệ sĩ phải chấp nhận những phán xét (đúng hoặc sai) của mọi người về sản phẩm đó, mặt hàng đó.
Có những nghệ sĩ khi viết hồi ký được khán giả rất thương và thêm bội phần trân quý. Ngược lại cũng có những nghệ sĩ bị công chúng coi thường, thậm chí mất tất cả sau khi sách ra đời.
Đừng đổ lỗi cho văn phong người chấp bút. Đừng đổ lỗi cho những góc khuất dữ dội trong cuộc đời mình. Công chúng thương hay ghét phụ thuộc vào cách nhìn nhận của tác giả về những bí mật đời tư ấy.
Nghệ sĩ phải nhìn nhận sự việc ấy, câu chuyện ấy như thế nào thì người chấp bút mới viết như thế đó...
Đọc hồi ký Ái Vân, người ta vẫn cảm nhận được sự chua cay mà cô và gia đình đã hứng chịu.
Có ai không đau khi những ngày đầu tiên được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân nhưng bị tước đoạt. Có ai không đau khi ngôi nhà 600 mét vuông, tài sản của mình bị người ta cướp mất…
Ái Vân đau. Bất kỳ ai ở trong hoàn cảnh đó cũng sẽ đau. Người đọc vẫn cảm thấy sự chua chát đấy nhưng dường như có gì đó rất nhẹ nhõm…
Điều đó có được từ đâu, nếu không phải từ chính cách nghĩ của tác giả!
Ái Vân nghĩ cuộc sống nó là như vậy nên khi nhìn lại mọi chuyện, cô thấy nó nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Không oán trách. Không hận thù!
Có khán giả nào lỡ ghét một nghệ sĩ như thế, một cách nghĩ và một cách sống như thế!?
Cũng cuộc đời đầy giông bão nhưng tại sao hồi ký Thương Tín lại khiến công chúng "dậy sóng" với những khen chê?
Tại sao tự truyện Lê Vân yêu và sống khiến chính người sinh ra cô, nghệ sĩ Lê Mai phải thốt lên rằng "Vân đã cho tôi một quả bom"?
Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân đã chia sẻ với tôi rằng, cô vốn rất thần tượng Lê Vân sau khi xem "Bao giờ cho đến tháng Mười" nhưng sau khi đọc tự truyện Lê Vân, hình tượng trong lòng cô sụp đổ.
"Lê Vân không còn một gram nào đối với cô trong cuộc sống", nghệ sĩ Kim Xuân cho biết.
Và tôi cũng biết, nhiều người không còn thương Lê Vân sau khi đọc tự truyện ấy!
Trong mỗi con người đều có một góc khuất, thậm chí góc khuất cực kỳ dữ dội nhưng mình biết góc khuất đó nếu đưa ra sẽ làm hại bao nhiêu người khác thì có nên đưa ra không?
Dẫu đó là sự thật…
Tại sao Ái Vân để 8 trang giấy trắng, không có bất kỳ một chữ nào về người chồng thứ 2? Trong khi bao nhiêu giông bão trong đời cô đều sẵn sàng để kể!
Điều đó đủ hiểu, Ái Vân đã có một quãng đời kinh khủng đến mức nào, đã có một cuộc hôn nhân kinh hoàng ra sao. Nó dữ dội đến mức cô không để bất cứ một chữ nào lọt ra trong gần 90.000 chữ của cuốn sách.
Không phải Ái Vân giữ cho mình, mà cô giữ cho người cô đã từng gọi là chồng – dù người đó góp phần làm cuộc đời cô thêm bội phần đau khổ!
Lê Khanh – một solist thứ thiệt ở thánh đường nghệ thuật Hà Nội, một người đàn bà đẹp, sang trọng và thanh lịch hoàn toàn có quyền "ngẩng cao đầu" với đồng nghiệp và công chúng nhưng tại sao lại "co rúm" mình sau tự truyện của chị Lê Vân?
Tại sao sau khi hồi ký của diễn viên điện ảnh Thương Tín ra mắt, nhiều người nói ông "không xứng là một người đàn ông"?
Thương Tín có lẽ cũng hiểu rằng, sẽ có nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé khi cuốn hồi ký của ông phát hành trên thị trường.
Lẽ ra, Thương Tín nên và cần bảo vệ những người phụ nữ ông từng quen trong quá khứ bằng cách đừng "khui" tên thật của họ ra.
Chỉ nhiêu đó thôi, ai trách được cái phần "đàn ông" của tài tử điện ảnh ngày nào!?
Không thể không nhắc đến vai trò của người chấp bút cho các cuốn hồi ký. Người chấp bút nếu biết, viết ra sự thật này có thể đẩy nhiều người xuống bùn, khiến người ta cả đời không dám nhìn ai… thì có nên viết không?
Nên chăng người chấp bút khuyên nghệ sĩ suy nghĩ lại về hậu quả có thể xảy ra với những người được nhắc tới trong hồi ký? Hoặc tìm cách làm nhẹ bớt để sự thật dẫu được nói ra cũng không làm ai tổn thương.
Nhưng hơn hết điều đó là vì chính lợi ích của nhân vật. Người nghệ sĩ có thể sẽ mất tất cả chỉ vì cuốn sách đó…
Thương Tín có lẽ đã được rất nhiều người thương và giúp đỡ khi người ta biết về cuộc đời nghèo khổ của ông sau bao thăng trầm và cống hiến.
Dẫu không ai hô hào, nhưng người trong nghề sẽ truyền tai nhau, nay đạo diễn này mời vai, nay ê-kíp kia mời vai… Ông vẫn có thể sống được nhờ nghề với những yêu thương từ đồng nghiệp và khán giả.
Nhưng chính cuốn hồi ký là kẻ đã "giết chết" tên tuổi Thương Tín một lần nữa!
Sau tự truyện Lê Vân yêu và sống, dù tên tuổi đang như cồn nhưng Lê Vân không còn hoạt động nghệ thuật nữa. Cô bỏ nghề hay nghề và công chúng bỏ cô, ai biết được!
Chỉ biết rằng, cuốn tự truyện ấy đã giết chết tên tuổi người nghệ sĩ tài năng và xinh đẹp ấy trong… im lặng!
theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét