Nguồn lực trong dân, trong đó có vàng, mà có đơn vị ước tính - nhưng chưa được kiểm chứng - là khoảng 500 tấn vàng. Làm sao để nguồn vốn trong dân được đưa vào sản xuất kinh doanh?
Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ngân hàng Nhà nước báo cáo giải pháp huy động nguồn lực trong dân để tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế. Làm sao để có thể huy động được nguồn lực này?
Tuổi Trẻ đã nhận được ý kiến của các chuyên gia.
* Ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính):
Cần đánh thuế
mua bán vàng
Theo tôi, cần tính đến việc đánh thuế mua bán vàng để hướng dòng vốn vào các kênh đầu tư khác có lợi hơn. Đó cũng là cách hỗ trợ việc đánh thức nguồn vốn trong dân. Hiện tại, giao dịch vàng gần như miễn phí, nếu có cũng rất thấp. Phải coi vàng thuộc nhóm xa xỉ phẩm, cũng giống ôtô, điều hòa nhiệt độ...
Nhiều nước đã làm điều này. Bởi hiện nay việc mua, cất giữ vàng còn nguy hiểm hơn cả mua và giữ ngoại tệ. Mua ngoại tệ người ta còn có xu hướng đem tiền gửi lại ngân hàng, từ đó cho vay để sản xuất kinh doanh. Còn với vàng, nhiều người mua vàng rồi cất giữ trong nhà, rất rủi ro.
Tất nhiên, việc đánh thuế mua bán vàng nên có lộ trình. Ví dụ Nhà nước quy định sau 2 năm mới đánh thuế, ban đầu chỉ đánh thuế khi mua để khuyến khích người dân bán vàng ra, sau đó mới đánh thuế cả mua và bán.
* Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế):
Giảm vai trò của vàng trong nền kinh tế
Tôi hiểu rằng chỉ đạo của Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước phải tìm cách huy động nguồn lực là số vàng đang có trong dân và cả những nguồn lực khác chưa chuyển sang vàng nữa để phục vụ phát triển kinh tế.
Như vậy, câu chuyện là làm thế nào để người dân không tập trung vào vàng chứ không phải là để họ mua, tích trữ vàng rồi mới tìm cách huy động. Do đó, Nhà nước phải làm giảm vai trò của vàng trong nền kinh tế. Làm sao để vàng không hấp dẫn nữa mà phải có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn hơn tích trữ vàng.
Nhu cầu vốn cho nền kinh tế là rất lớn. Để tiền không chạy qua vàng rồi mới vòng lại phục vụ sản xuất kinh doanh, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế tạo môi trường đầu tư để người dân có tiền có thể đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào sản xuất kinh
doanh, vào nền kinh tế.
* Ông Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế):
Có thể phát hành “vàng giấy”
Việc huy động vàng trong dân được cơ quan quản lý đề cập đến cách đây vài ba năm nhưng chưa thực thi được. Bởi đây là việc phức tạp, nhiều rủi ro cao khi giá vàng biến động, lại không dự báo được. Điều kiện để huy động vàng trong dân là kinh tế vĩ mô phải ổn định, lạm phát ở mức phù hợp.
Với người dân, câu chuyện niềm tin là rất quan trọng. Khi kinh tế ổn định, giá cả ở mức phù hợp thì người dân sẽ giữ tiền đồng chứ chuyển sang vàng, ngoại tệ làm gì.
Một trong những cách thức để người dân thay vì giữ vàng trong nhà thì Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, cơ quan chức năng cho ngân hàng thương mại lớn, có năng lực tài chính phát hành chứng chỉ vàng - vì thế cũng có người gọi là “vàng giấy”.
Người dân đưa vàng vào ngân hàng, đổi lại họ sẽ giữ một tờ giấy chứng nhận số vàng đó thay vì cất vàng ở trong nhà. Và chứng chỉ vàng đó được cầm cố, thế chấp, bán khi cần. Làm được thế sẽ huy động được một lượng vốn cho nền kinh tế để phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng cầu đường...
Còn với người dân, giữ chứng chỉ vàng an toàn hơn là giữ vàng vật chất trong nhà, còn nếu gửi vào ngân hàng thì sẽ mất phí.
* Tiến sĩ Cấn Văn Lực (chuyên gia ngân hàng):
Không nên thu phí giữ vàng
Theo tôi, đề nghị nên lập sàn giao dịch vàng là câu chuyện trước đây, còn với điều kiện kinh tế hai năm trở lại là không cần thiết. Nếu lập sàn vàng thì có thể khuyến khích người dân đổ tiền vào vàng nhiều hơn.
Vô hình trung lại đi ngược mục đích mà chúng ta kêu gọi là hướng vốn vào sản xuất kinh doanh, vào nền kinh tế thay vì vào vàng.
Có mấy việc nên làm là ngành ngân hàng nên phát triển hơn nữa dịch vụ cất giữ vàng để hạn chế rủi ro cho người dân cất vàng trong nhà. Đương nhiên là không có chuyện trả lãi suất cho việc gửi vàng mà ngược lại, trước mắt trong một vài năm tới ngân hàng chưa thu phí gửi vàng.
Giữa tuần này, giá vàng trong nước tăng do giá vàng thế giới tăng, nhưng mức tăng của giá vàng trong nước gấp 4 lần so với mức tăng của giá vàng thế giới.
Chứng tỏ rằng giá vàng trong nước tăng mạnh là do câu chuyện tâm lý. Nhưng chỉ một bộ phận nhỏ người dân vẫn có kỳ vọng về vàng. Do đó, nhà điều hành cần phân tích là họ tìm đến vàng để đầu tư hay đầu cơ.
Lượng vàng mua vào cao hơn bán ra hay ngược lại? Ai được lợi sau mỗi lần giá vàng biến động? Rủi ro thế nào đối với người mua, với thị trường, với nền kinh tế?
Ai cũng biết chắc rằng những người mua để cất trữ vàng trong lúc giá lên đến mức đỉnh 39 - 40 triệu đồng/lượng thì cầm chắc lỗ vì chỉ một đêm sau giá đã bốc hơi 2 triệu đồng/lượng.
Dân tin sẽ đem vàng đi gửi
Người dân mình có ý thức tiết kiệm nên ai cũng có, không nhiều thì một ít vàng cất giữ trong nhà. Từ 20 năm nay, tôi thường mua vài lượng để cất dành phòng khi đau ốm hoặc gia đình có việc cần gấp. Nhưng gia đình ít khi dùng tới.
Nhiều bạn bè của tôi trước đây cũng mua vàng thay vì gửi tiền ngân hàng vì sợ lạm phát. Nếu Nhà nước có chủ trương huy động nguồn vốn vàng thì phải có những chính sách minh bạch, đảm bảo an toàn cho dân yên tâm, tin tưởng.
Chưa kịp trở tay, người lướt sóng đành
ôm vàng chờ giá lên
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 9-7, có thời điểm giá vàng thế giới giảm một lèo 25 USD/ounce xuống 1.335 USD/ounce, rồi sau đó nhanh chóng phục hồi và chốt tuần giao dịch ở mức 1.365 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 36,76 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC bán ra ngày 9-7 đã bất ngờ tăng 400.000 đồng/lượng, lên 37,6 triệu đồng/lượng. Còn tại một số tiệm vàng, giá bán vàng miếng SJC thấp hơn, ở mức 37,45 triệu đồng/lượng.
Trong tuần này dù giá vàng thế giới cao nhất chỉ ở mức 1.375 USD/ounce, tức tăng khoảng 35 USD/ounce (942.000 đồng/lượng) so với cuối tuần trước nhưng giá vàng trong nước liên tục bị thổi lên, có lúc đạt đỉnh 40,5 triệu đồng/lượng do tâm lý một số người cho rằng giá vàng còn tăng nữa nên đổ xô đi mua vàng.
Sau đó giá vàng đã tuột dốc không phanh do Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ can thiệp. So với mức đỉnh, giá bán vàng miếng SJC ngày 9-7 đã bốc hơi từ 2,9 - 3,05 triệu đồng/lượng. Đây là mức biến động kỷ lục trong thời gian vừa qua.
Nhiều người mua vàng giá cao đã không kịp bán vàng do giá giảm quá nhanh, còn các tiệm vàng mở rộng khoảng cách giữa giá mua - bán lên đến 1 - 2 triệu đồng/lượng càng khiến người lướt sóng vàng tiến thoái lưỡng nan.
Đặc biệt, nhiều người mua vàng trong ngày 6-7 khi giá vàng ở mức đỉnh 38 - 39 triệu đồng/lượng đến nay vẫn ôm hàng vì đang lỗ.
Theo các chuyên gia, giá vàng còn tiềm ẩn rủi ro, do vậy cần cẩn trọng khi bỏ vốn vào vàng kể cả mua để lướt sóng hay cất giữ.
theo Tuổi trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét