Nhiều người vẫn quan niệm, thứ hạng của trường theo học đánh giá năng lực của học sinh, sinh viên và bất cứ người trẻ nào cũng muốn được học ở ngôi trường danh tiếng. Thế nhưng, với du học, điều đó chưa hẳn đúng.
Trò chuyện với các du học sinh từng “ẵm” nhiều học bổng học bổng lớn và có những lựa chọn “ngược đời” để hiểu thêm về chuyện chọn trường du học.
Trường tốt nhất là trường phù hợp nhất
Đó là lý do vì sao Võ Tường An (18 tuổi, Quãng Ngãi) lại từ chối học bổng toàn phần của trường Harvard (ngôi trường đại học hàng đầu thế giới, là mơ ước của nhiều người trẻ) để chọn trường ĐH Stanford – ngôi trường có thứ hạng thấp hơn.
Võ Tường An, nữ sinh có sự lựa chọn "lạ đời" về trường theo học
Nói về lựa chọn “lạ đời” này, Tường An chia sẻ, trường tốt nhất không phải là trường có thứ hạng cao nhất mà là trường phù hợp nhất, có thể xem nó như gia đình thứ hai. Và cô nàng đã tìm thấy điều này ở ĐH Stanford.
Nữ sinh 18 tuổi từng nói: “Ở Mỹ, học đại học không đơn giản chỉ là đến lớp và học. Nó là cả cuộc sống với hàng nghìn điều bí ẩn trong suốt 4 năm. Vì vậy, ngôi trường tốt là ngôi trường mình có thể xem nó như một gia đình. Hơn nữa, xếp hạng của trường không quan trọng bằng việc sinh viên có được trải nghiệm gì ở đó”.
Một lý do khá thú vị nữa khiến cô gái cùng lúc “ẵm” học bổng của 12 trường ĐH hàng đầu thế giới chọn Stanford là niềm yêu thích khám phá văn hóa. Ngôi trường này nằm ở bờ Tây nước Mỹ, mang nền văn hóa khác với bờ Đông – nơi cô theo học cấp 3. Với cô gái này, việc lựa chọn trường du học bao gồm nhiều yếu tố như vậy chứ không hẳn chỉ là danh tiếng.
Chinh phục được Harvard – ngôi trường hàng đầu thế giới nhưng thật lạ, đây không phải là sự lựa chọn mà cô gái nghèo Diệu Liên (19 tuổi, TP.HCM) cho rằng là tốt nhất với mình.
Với Diệu Liên, về mặt nào đó, Harvard chưa hẳn là sự lựa chọn tốt nhất
Diệu Liên chia sẻ, cô thích một ngôi trường có thứ hạng thấp hơn nhưng vì vấn đề tài chính Liên không thể chọn nó mà phải theo Harvard (bởi Harvard là trường có tiềm lực tài chính lớn, đủ khăng hỗ trợ những ứng viên có hoàn cảnh khó khăn như Liên). Cô cho rằng, thứ hạng của trường đại học không quyết định được hoàn toàn khả năng phát triển của sinh viên.
Liên nói thêm, quan niệm vào được trường cao nhất thì sẽ vào được các trường khác thấp hơn là sai lầm. Ở Mỹ, một học sinh có thể đỗ trường Harvard, Yale… nhưng lại có thể trượt những trường thuộc top 100, 200. Thứ hạng vốn chỉ là con số điều quan trọng nhất là trải nghiệm mỗi sinh viên có được trong suốt 4 năm học.
Chọn trường có xếp hạng tốt trong ngành
Thứ hạng của trường không quá quan trọng nhưng xếp hạng ngành lại là điều phải đặc biệt chú ý. Để có được môi trường học tập tốt, các học sinh, sinh viên nên lựa chọn trường có xếp hạng tốt trong ngành mình muốn theo học. Đó là lời khuyên của Nguyễn Thị Mai Anh (sinh viên năm 2 ngành Toán và Tài chính của trường Cass Business School- ngôi trường thương mại hàng đầu nước Anh).
Mai Anh cho rằng, xếp hạng của trường theo ngành rất quan trọng
Mai Anh cho rằng, khi chọn trường cần hiểu rõ ngành bản thân muốn học, sau đó tìm hiểu thật kỹ trường nào có xếp hạng tốt trong ngành đó, trò chuyện với các sinh viên trong trường để hiểu thêm các yếu tố khác như trường có liên kết ngầm mạnh hay không.
“Ví dụ như ai cũng biết ĐH Oxford đứng đầu nước Anh nhưng chủ yếu ngành nghiên cứu của nó mạnh. Nếu muốn học về chính trị thì lại nên học trường Kinh tế và Khoa học chính trị London. Hoặc học về tài chính thì Cass Business School lại là lựa chọn tốt hơn cả. Thứ hạng của trường chỉ là đánh giá chung chung, xếp hạng theo ngành, mình nghĩ, mới là cái chuẩn nhất”, Mai Anh chia sẻ.
Nguyễn Thị Mỹ Mạnh (sinh năm 1993, hiện đang học thạc sỹ Luật doanh nghiệp tại trường ĐH Limoges, Pháp) cũng có cùng quan điểm. Theo Hạnh, việc xác định được ngành học yêu thích là điều quan trọng nhất khi chọn trường du học.
Mỹ Hạnh, cô gái chọn du học tại trường ĐH Limoges, Pháp vì yêu thích nền văn hóa ở đây
“Xác định được ngành học rồi thì đến bước chọn trường phù hợp. Sự phù hợp đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mục đích, sức học, tài chính… đặc biệt là sở thích về vùng miền mình muốn đến”, Hạnh chia sẻ.
Khác với nhiều du học sinh, lý do đầu tiên khiến Phạm Ngọc (19 tuổi) nhắm đến trường ĐH Temple (Mỹ) là… tiền.
Ngọc thành thật chia sẻ, ban đầu trường Temple không nằm trong danh sách trường ĐH sẽ chọn của anh. Ngọc tập trung hướng vào khối trường nghệ thuật bởi các trường này cho nhiều học bổng. Đến khi còn một “chỗ trống” trong hệ thống ứng tuyển, anh mới chọn ĐH Temple vì trường này có ngành khởi nghiệp mà lúc ấy Ngọc khá hứng thú.
Phạm Ngọc, chàng trai chọn trường du học vì... học phí
Sau đó, trong tất cả các trường, ĐH Temple là trường cho Ngọc nhiều học bổng nhất nên anh đã quyết định theo học trường này.
“Đến đây học rồi mình mới phát hiện ra trường có nhiều điểm rất tuyệt. Xếp hạng trường ĐH Temple là 115 nhưng xếp hạng trường Kinh doanh (thuộc Temple) lại là 61.
Trường ở thành phố Philadelphia – 1 trong 5 thành phố lớn nhất nước Mỹ, cơ hội nghề nghiệp nhiều, giao thông đi lại thuận tiện, môi trường học tập cho sinh viên nhiều cơ hội phát triển kỹ năng… Từ đây mình rút ra kinh nghiệm, khi chọn trường du học hãy trả lời câu hỏi, trường này thể cho mình thứ mình cần nhất hay không? Từ đó sẽ tìm được trường phù hợp nhất”, Ngọc chia sẻ.
Theo Tri Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét