Đến chiều 7/7, nhiều người dân sống ven sông thuộc địa phận xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước vẫn dùng ghe đi vớt cá chết.
Đoạn sông từ địa phận tổ 5A (ấp 9) đến tổ 5 (ấp Bàu Lùng) dài khoảng 3km phơi trắng xác cá.
Người dân cho biết, rạng sáng 6/7, khi phát hiện cá nổi ngắc ngoải dày đặc mặt sông, hàng trăm hộ dân đã đổ xô đi vớt cá. Việc vớt cá rầm rộ kéo dài đến cuối ngày nhưng lượng cá vẫn còn rất nhiều. Có người vớt được hàng trăm ký, bán cho thương lái trong vùng và đem về ăn. Cá chết có kích cỡ từ hai ngón tay đến nặng khoảng 3kg, nhiều nhất là cá trắng - phân bố nhiều ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Ngoài ra còn có cá mè, rô phi và một số loài sống ở tầng nước sâu như cá trê, cá lăng.
Lượng cá chết dày đặc kéo dài từ suối Bà Quen đến ấp Bàu Lùng dài khoảng 10km. Đến khoảng 10g sáng 7/7, xác cá đã trôi xuống tận địa phận tổ 5A, ấp 9, xã Tân Hiệp (cách Bàu Lùng khoảng 3km). Xác cá trương phình nổi lềnh bềnh trắng mặt sông, dạt vào ven hai bờ, lẫn trong những đám cây cỏ, bốc mùi hôi thối.
Trên địa bàn xã Minh Tâm hiện có một số nhà máy chế biến nông sản và trại chăn nuôi heo quy mô lớn đang hoạt động. Trong vài năm trở lại đây, báo chí đã nhiều lần phản ánh việc xả thải của một số trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm nặng khúc sông từ xã Minh Tâm đến xã Tân Hiệp dài khoảng 12km.Một số ngư dân khẳng định đây không phải là mùi cá vì cá mới chết không thể bốc mùi. Một số người khác cho rằng mùi thối của nước sông là mùi nước xả thải của nhà máy chế biến khoai mì. Đây là hiện tượng bất thường hiếm gặp trong vòng hơn 20 năm trở lại đây kể từ khi hồ Dầu Tiếng hoàn thành và nghề cá xuất hiện.
Bình Phước đang vào mùa mưa nên lưu lượng nước thượng nguồn sông Sài Gòn dâng cao và tốc độ chảy mạnh hơn. Ngư dân cho biết đang là mùa cá sinh sôi mạnh nhất, nhiều con cá vớt lên mổ bụng đầy ắp trứng. Hàng chục ngư dân đã treo vó vì không có cá.
Anh Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét