Số lượt xem: 241
Gửi lúc 10:04' 03/11/2009
Khi con đến tuổi dậy thì
Theo tài liệu của tổ chức UNICEF, hiện nay, tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam sớm hơn rất nhiều: nữ 11, nam 14, cá biệt có trẻ dậy thì sớm hơn nữa: nam 11 - 12 tuổi, nữ 9 - 10 tuổi. Cha mẹ nên biết cách "giao lưu" để con cái luôn cảm thấy gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chãi nhất."Mẹ ơi, con xấu hổ quá, chỗ ấy của con tự dưng... mọc tóc!". "Mẹ ơi, con bị bệnh gì mà sáng nào thức dậy quần cũng ướt nhẹp...!". Bạn chỉ còn biết thốt lên hai chữ "trời ơi" khi nghe con hỏi những câu khó trả lời ấy, và chẳng biết phải bắt đàu nói chuyện với con như thế nào! Và còn hàng ngàn chuyện "khó nói" khác khi con bạn bước sang giai đoạn "tiền người lớn". Bạn đã hình dung chưa?
Chuyện của các cô con gái Vừa đi làm về, chị Ngân ngạc nhiên khi thấy nhà cửa vắng hoe, không biết cô con gái nhỏ của chị đi đâu. Chị lên phòng con gái gõ cửa, nhưng vẫn đóng im ỉm. Nỗi lo sợ dấy lên, chị đẩy mạnh cửa và nhìn thấy cảnh tượng đứng tim: con bé nằm sóng soài trên giường, mặt tái mét. Hoảng quá, chị liền gọi taxi đưa con đi cấp cứu... Bác sĩ trực cấp cứu thông bá "Con gái chị vì nhịn ăn quá mức nên hạ đường huyết dẫn đến ngất xỉu". Chị Ngân vừa mớm cháo cho con, vừa khơi chuyện để hiểu rõ nguyên nhân tại sao con mình làm như thế. Bé Ngân Thanh rơm rớm nước mắt thủ thỉ với mẹ: "Ba mẹ đi làm hoài nên không thấy là con đã mập lắm rồi. Ba mẹ cứ mua đồ ăn để trong tủ lạnh, con ở nhà một mình với bà Sáu buồn lắm, mà hễ buồn là ăn quá trời thứ luôn. Bạn bè trong lớp chọc con là "Heo ú, voi tròn, khủng long". Trường tổ chức văn nghệ, nhưng con bị loại khỏi đội nhảy nhịp điệu, vì con mập quá. Bữa trước con xin đi tập thể dục thẩm mỹ thì mẹ la, bảo mập mới đẹp. Con sợ quá nên nhịn ăn để giảm cân. Ai ngờ, con chưa ốm đã xỉu rồi". Nghe con gái nói xong, chị thấy mình vô tâm quá đỗi. Con gái ở tuổi này, vẻ bề ngoài ảnh hưởng tới tâm lý rất nhiều, vậy mà chị và chồng chỉ lo kiếm tiền, không để ý gì tới con. Chị Oanh, 37 tuổi, nhà ở Hóc Môn, TP. HCM có con gái tuổi 13 "trăm lần nhất định chưa yêu". Dạo gần đây chị thấy bé Yến con mình có vẻ thẫn thờ, suốt ngày mặc quần áo rộng, đi học về thì nằm im trong phòng. Tình trạng này kéo dài được một tuần, sợ con có bệnh gì, chị tranh thủ buổi tối vào phòng con tâm sự. Ai dè, bé Yến khóc òa lên: "Mẹ ơi, con sợ có bầu lắm, con sợ lắm...!". Chị Oanh giật mình: "Con nói gì, bộ con đã làm... gì với bạn trai hả?". Bé Oanh càng khóc to hơn: "Bữa trước con và bạn Hùng hôn nhau, hồi trước con nghe mẹ nói, hôn nhau là có bầu phải không mẹ?". Chị Oanh dở khóc dở cười, không biết phải nói thế nào. Thì hồi đó cũng chính chị nói thế, mục đích là muốn dạy con phải biết giữ gìn. Ai dè... Chị vuốt tóc con an ủi: "Không sao đâu con, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy!". Hôm sau, chị phải lén bỏ vào phòng con quyển sách "giáo dục giới tính" mà chị vừa kịp mua ở nhà sách. Chuyện của các cậu con trai Vợ mất từ khi cậu con trai vừa tròn 7 tuổi, nên anh Trung, 34 tuổi trở thành gà trống nuôi con. Hai cha con như hai người đàn ông trưởng thành, anh dạy con theo cách giáo dục của phương Tây, thoáng và cởi mở. Khoa, năm nay vừa tròn 15 tuổi, tuy mới học lớp 10, nhưng cu cậu nhổ giò cao hơn bạn bè cùng trang lứa. Ngày trước, chuyện gì Khoa cũng sẵn sàng tâm sự với bố, nhưng từ khi vào lớp 10 tới giờ, Khoa ngày càng kín tiếng.
Biết lục đồ đạc của con là mất lịch sự, nhưng vì muốn tìm hiểu về con, anh Trung quyết định vào phòng Khoa lúc con vắng nhà. À, đây rồi, ngay đầu giường là cuốn sổ nhật ký như anh dự đoán. "Ngày... tháng... năm... Hôm nay, nhìn thấy cô ấy bên ban công, tim mình đập rộn rã, cô ấy đẹp quá, nhất là đôi mắt... nhưng mình biết cô ấy đang học đại học, còn mình chỉ là học sinh cấp 3, vậy có được không...?". Thì ra con trai anh đang vướng vào "lưới tình" với cô bé sinh viên trọ gần nhà. Anh đọc tiếp, "Dạo này, mình không dám trò chuyện với bố nhiều, sợ bố biết chuyện thể nào bố cũng bảo, không lo học, yêu đương này nọ...". Bất thình lình, Khoa về nhà, thấy bố đang đọc nhật ký của mình, Khoa tái mặt, không nói không rằng, đóng cửa và bỏ đi một mạch. Anh Trung bất ngờ, chưa kịp nói gì với con. Anh thật sự bối rối và căng thẳng, con anh đã công khai "chiến tranh lạnh" với anh. Còn chị Nương, 35 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP. HCM thì đang rối tinh rối mù lên vì cậu ấm cưng. Từ lúc Tâm con trai của chị bước sang tuổi 14, tính khí cậu thất thường hẳn. Có lúc thì cao hứng hát hò lung tung trong nhà tắm, lúc thì ôm đàn nghêu ngao một mình trong đêm. Vì nhà ở trong xóm lao động khá phức tạp nên chị sợ con theo bạn bè xấu hút chích. Sáng nay, trong lúc chị đang loay hoay nấu bếp, chàng Tâm chạy xuống ôm mẹ khóc nức nở: "Mẹ ơi con bị bệnh gì rồi mẹ ạ. Gần đây thằng nhỏ của con nó mọc tóc ghê lắm. Chưa hết, tối nào con cũng không dám ngủ, vì ngủ dậy thì thằng nhỏ ướt nhẹp. Chắc con chết mất mẹ ơi!". Chị Nương nhìn con vừa buồn cười vừa thương. Chị an ủi: "Không sao đâu con ạ! Chuyện bình thường mà!". Chị bỗng nhận ra con mình đã lớn. Chị tự nhủ, phải bắt bố thằng Tâm thường xuyên bảo ban, "tâm sự đàn ông" với con thôi. Chuyên gia tâm lý nói gì? Theo tài liệu của tổ chức UNICEF, hiện nay, tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam sớm hơn rất nhiều: nữ 11, nam 14, cá biệt có trẻ dậy thì sớm hơn nữa: nam 11 - 12 tuổi, nữ 9 - 10 tuổi. Cha mẹ nên biết cách "giao lưu" để con cái luôn cảm thấy gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chãi nhất. Chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn đã đưa ra một số gợi ý như sau: Đừng áp đặt suy nghĩ lên con cái: Trong độ tuổi dậy thì, suy nghĩ của trẻ thay đổi rất nhiều so với khi còn bé. Giai đoạn này, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò định hướng cho con cái, chứ không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Luôn sẵn sàng khi nào con cần, nhưng chỉ cho lời khuyên khi con muốn. Sai lầm của cha mẹ là luôn luôn bắt buộc trẻ phải nói ra suy nghĩ của mình. Nếu càng la rầy con cái thì sẽ mang đến tác dụng ngược. Hãy thử để trẻ tự giải quyết vấn đề - một dấu hiệu cho con biết là bạn ủng hộ sự độc lập của nó và cũng là cách tốt giúp con tự xây dựng và hoàn thiện nhân cách. Khi con trẻ cần, hãy cho chúng lời khuyên thật đúng lúc. Không "xâm phạm" không gian riêng của con: Chứng tỏ bạn tôn trọng sự riêng tư của trẻ như của bất kỳ thành viên nào trong gia đình. Đừng lấy quyền làm cha mẹ để có thể lục tung đồ đạc và săm soi vào đời sống tinh thần của con cái. Không quá kỳ vọng vào con cái: Con cái cũng chỉ là đứa trẻ bình thường, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng là thiên tài, vì vậy, đừng quá kỳ vọng và con cái. Nên để con phát triển tự nhiên theo khả năng của chúng. | |||||
Thụy Khúc - Hoài Giang/tạp chí sức sống mới (webtretho) |
Bản gốc: Sức khỏe số - Khi con đến tuổi dậy thì
0 nhận xét:
Đăng nhận xét